THỪA THIÊN - HUẾ

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế: Tích cực cải thiện môi trường kinh doanh

09:48:34 | 20/2/2024

Những thành tựu mà Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT), công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong công tác quản lý Nhà nước năm 2023, nổi bật là việc triển khai thành công các giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục là nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển trong năm 2024.


UBND tỉnh đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza tại Khu công nghiệp Phong Điền, tháng 11/2023

Những kết quả tích cực

Năm 2023, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm việc với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kết quả là đã cấp 11 dự án đầu tư và 06 dự án điều chỉnh tăng/giảm vốn đầu tư, với tổng vốn thu hút đầu tư là 6.002 tỷ đồng (trong đó có 08 dự án FDI với tổng vốn 137,8 triệu USD), đạt 100% kế hoạch năm 2023, chiếm 53,1% tổng vốn đầu tư thu hút của toàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn có 175 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 115.765 tỷ đồng; trong đó, có 110 dự án đang hoạt động (chiếm 62,8%), 50 dự án đang triển khai thực hiện (chiếm 28,5%), 15 dự án còn lại thuộc diện chậm tiến độ, ngừng triển khai thực hiện (chiếm khoảng 8,5%). Lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các dự án đến nay ước đạt khoảng 38.941 tỷ đồng (đạt 33,6% tổng vốn đăng ký đầu tư); riêng năm 2023 vốn đầu tư thực hiện được 3.400 tỷ đồng (đạt 85% kế hoạch năm).

Song song với kết quả thu hút đầu tư, các doanh nghiệp trong KKT, khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã vững vàng vượt qua khó khăn và đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau: Tổng doanh thu đạt 35.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2023; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,49 tỷ USD, đạt 114,6% kế hoạch, chiếm 85% kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh (kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 590 triệu USD); nộp ngân sách 3.900 tỷ đồng, tạo việc làm cho 38.000 lao động.

Hoạt động khai thác của cảng Chân Mây cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2023, cảng đón hơn 550 lượt tàu (gồm 65 chuyến tàu container), lượng hàng qua cảng: 3,3 triệu tấn hàng rời, hàng container là 7.370 TEUs; có 12 chuyến tàu du lịch với 13.429 người (8.051 khách và 5.378 thuyền viên). Trung bình mỗi tháng đón 4 - 5 chuyến tàu container cập cảng.


Cảng nước sâu tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động

Năm 2023, công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành được Ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả cao. Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các văn bản, ý kiến chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Quản lý đã phối hợp có hiệu quả với các sở, ban ngành, UBNND các huyện, thị xã triển khai công tác quản lý Nhà nước và các dự án trọng điểm trên địa bàn. Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện và điều chỉnh bổ sung Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 và Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND tỉnh về hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Chân Mây,…

Công tác quản lý xây dựng được tích cực triển khai thực hiện hiệu quả. Ban đã cấp giấy phép xây dựng để các chủ đầu tư sớm triển khai thi công xây dựng công trình (công trình thuộc dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex; dự án Trung tâm dịch vụ tổng hợp KCN Phú Bài; nhóm công trình biệt thự nghỉ dưỡng - Dự án Khu du lịch Xanh Lăng Cô; dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế - giai đoạn 1,...)

Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại giấy phép xây dựng được quản lý chặt chẽ, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Các thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, bảo đảm đơn giản hóa, thuận lợi cho nhà đầu tư.

Những kết quả mà Ban Quản lý đạt được trong công tác quản lý Nhà nước năm 2023, trong đó đã triển khai thành công các giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ tiếp tục là nền tảng quan trọng để thúc đẩy kinh tế Thừa Thiên Huế khôi phục và phát triển trong năm 2024.

Phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới Ban Quản lý tổ chức triển khai hoàn thiện công tác lập điều chỉnh quy hoạch chung KKT Chân Mây - Lăng Cô trình Thủ tướng phê duyệt. Đôn đốc và phối hợp các đơn vị tư vấn để sớm hoàn thành các đồ án quy hoạch phân khu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để triển khai các thủ tục tiếp theo theo đúng quy định. Nghiên cứu đề xuất cơ chế cho phép các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư nước ngoài có uy tín, tiềm lực tài chính tài trợ về ý tưởng quy hoạch, về nguồn kinh phí thực hiện nhằm hoàn chỉnh quy hoạch đạt chất lượng cao, mang tính đột phá và khả thi.

Tiếp tục thúc đẩy, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong KKT, KCN, tạo nền tảng, động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất; đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện quy hoạch và xây dựng hạ tầng KKT, KCN; tạo mặt bằng sạch để thu hút các dự án theo định hướng thu hút đầu tư. Chủ động trong phòng, chống thiên tai, bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong KKT, KCN. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tiếp tục đổi mới toàn diện cả về phương thức và cách thức hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống và việc làm cho công nhân trong các doanh nghiệp trên địa bàn.

Nguồn: Vietnam Business Forum