BẮC GIANG

Đổi mới giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập

09:25:28 | 17/4/2024

Cùng với quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, tỉnh Bắc Giang còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thu hút đầu tư, xã hội hóa giáo dục. Đây là cơ sở để tỉnh tiếp tục khẳng định vị thế trên “bảng vàng” thành tích giáo dục cả nước nói riêng và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế nói chung. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Tạ Việt Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bắc Giang.

Một vài đánh giá của ông về sự phát triển của ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang đến nay và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới?

Những năm gần đây, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngành Giáo dục Bắc Giang đã có sự phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng.

Mạng lưới cơ sở giáo dục tiếp tục được mở rộng cả về quy mô và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 761 trường mầm non và phổ thông, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Bắc Giang là tỉnh thứ 7 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, xóa mù chữ ở mức độ cao nhất.

Cơ sở vật chất trường lớp và thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa (96,4%; cao hơn 11,4% so với trung bình cả nước). Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm cả về số lượng và chất lượng.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, Bắc Giang đã thực hiện tốt mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, nằm trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Các mục tiêu về GD&ĐT của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT các năm 2020, 2021, 2022 và năm 2023 đạt tương ứng: 99,17%; 98,9%; 99,42% và 99,58%; số học sinh xét tuyển đại học đạt từ 27 điểm trở lên, số học sinh đạt điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được đặc biệt chú trọng. Tính từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, có 331 giải với 09 giải Nhất, 85 giải Nhì, 131 giải Ba, 106 giải Khuyến khích; có 24 lượt học sinh giỏi được dự vòng 2 chọn đội tuyển quốc tế và khu vực, kết quả đạt 4 huy chương khu vực và quốc tế (02 huy chương Bạc, 02 huy chương Đồng).

Thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả 08 giải pháp đột phá và tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, tích cực. Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa,…


Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh ký kết Chương trình hợp tác triển khai các biện pháp phối hợp, phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của 2 tỉnh giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo

Bắc Giang đã chú trọng thu hút đầu tư, phát triển giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là mô hình liên cấp, quốc tế, chất lượng cao như thế nào, thưa ông?

Những năm gần đây, nhờ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, Bắc Giang đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, nhất là con em các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài làm việc, tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường tư thục, chất lượng cao như: Trường Mầm non Lá phong Xanh; Trường Tiểu học, THCS, THPT Maple Leaf Academy; Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Bắc Giang,… Nhiều trường tiếp cận các mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới, chú trọng phát triển năng lực cho học sinh.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025. Tính đến năm 2023, có 1.358 trẻ mầm non được hưởng hỗ trợ với tổng kinh phí là 888 triệu đồng; 139 giáo viên được hưởng hỗ trợ với tổng kinh phí là 461 triệu đồng (còn 189 giáo viên mầm non đã được thẩm định hồ sơ và chờ nhận hỗ trợ); 76 nhóm trẻ trong các cơ sở GDMN ngoài công lập được hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi với tổng kinh phí là 1.520 triệu đồng; có 06 dự án trường mầm non tư thục được hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 14.838m2 với tổng kinh phí là 553 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng mới 48 phòng học mới với tổng kinh phí là 10.750 triệu đồng,…

Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục chủ động tham mưu UBND tỉnh trong việc huy động nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho công tác xã hội hóa giáo dục. Khuyến khích và có cơ chế ưu đãi các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở mầm non, trường phổ thông ngoài công lập ở khu vực thành thị, các khu, cụm công nghiệp. Đây là chủ trương đúng đắn, không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu học tập của người dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, công tác cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CĐS) của ngành đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

Xác định CCHC và CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý, thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh rất quan tâm, chú trọng chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.

Sở thường xuyên cập nhật, công bố, rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi, chức năng quản lý; lồng ghép, đưa các nội dung, thông tin về CCHC trong các buổi họp; tuyên truyền, phổ biến CCHC tại cơ quan Sở, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và các đơn vị. Kỷ luật kỷ cương hành chính được nâng cao; cơ chế một cửa hoạt động có hiệu quả cao, giảm thời gian chờ đợi trong quá trình giao dịch giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan nhà nước.

Hiện, Sở có 79/129 TTHC đang có hiệu lực (45 TTHC cấp huyện, 05 cấp xã). Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị dưới dạng điện tử đạt trên 99%. Năm 2023, Sở tiếp nhận và xử lý 1.089 TTHC, đã xử lý 1.088 TTHC, đạt 99,9% (không có TTHC bị xử lý quá hạn). Năm 2023, Chỉ số CCHC của Sở đạt 94,69 điểm, xếp thứ 3/20 sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (tăng 01 bậc so với năm 2022, tăng 02 bậc so với năm 2021).

CĐS được triển khai có hiệu quả, thực hiện linh hoạt. Toàn tỉnh đã duy trì hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu ngành đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT. Ngành cũng triển khai nhiều dự án CĐS như: Hệ thống điểm danh học sinh qua nhận dạng khuôn mặt; xây dựng học liệu theo chuẩn mở; ứng dụng AI xây dựng hệ thống chấm điểm, xếp hạng, đánh giá, theo dõi năng lực học sinh,… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và đổi mới chất lượng dạy và học.

Nhiều năm qua, Bắc Giang đã triển khai Chương trình khảo sát, đo lường sự hài lòng đối với chất lượng dịch vụ giáo dục công. Ông có thể cho biết quá trình thực hiện đã ghi nhận những bước tiến nào?

Việc tổ chức khảo sát, đánh giá, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công đã được tổ chức thường niên từ năm 2018. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công ngày càng tăng.

Đặc biệt, năm 2023, tỷ lệ phần trăm đối tượng được khảo sát có câu trả lời từ 4 điểm trở lên với tất cả các câu hỏi (gọi là “tỷ lệ hài lòng toàn diện”) đối với các cấp/bậc học đạt mức rất cao, trong đó cao nhất là bậc học mầm non với tỷ lệ 99,47% (tăng 2,39%). Tỷ lệ đáp ứng so với mong đợi (nhà trường đáp ứng bao nhiêu % sự mong đợi) đạt 108,78%, (tăng18,72%). Đây là năm thứ 3 liên tục tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công duy trì ở mức cao (trên 90%) và là năm cao nhất trong vòng 6 năm từ năm 2018 (cao hơn so với chỉ tiêu chung toàn quốc do Bộ GD&ĐT đề ra là trên 85%).

Năm 2024, ngành Giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục xác định được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, từ đó có những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Nam (Vietnam Business Forum)