HỒ CHÍ MINH

Tp . Hồ Chí Minh: Nỗ lực giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế

15:04:24 | 26/4/2010

Với mức đóng góp khoảng 1/5 GDP của cả nước và 1/3 tổng thu ngân sách nhà nước, Tp.HCM đã trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong thời gian tới, Thành phố xác định sẽ tiếp tục khơi dậy, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng lợi thế, phát huy vai trò vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo đà cùng cả nước tiến nhanh, tiến vững chắc vào quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Tăng tốc phát triển

Theo đó, giai đoạn 2010-2020, Tp.HCM sẽ nỗ lực phát huy vai trò trung tâm về nhiều mặt của khu vực và cả nước, chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển; thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội; từng bước xây dựng Thành phố trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.

Về kinh tế, phấn đấu đạt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước giai đoạn 2011-2015 đạt 12%, giai đoạn 2016-2020 đạt 11%; trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành dịch vụ bình quân 12,7%/năm, công nghiệp - xây dựng đạt 11%/năm, nông nghiệp đạt 4%. Dự kiến cơ cấu GDP đến năm 2020 là dịch vụ khoảng 60,4%, công nghiệp - xây dựng: 39,2% và nông nghiệp 0,4%. Tập trung phát triển, có tính đột phá đối với 9 nhóm ngành dịch vụ có tiềm năng và là thế mạnh của Thành phố bao gồm: thương mại; du lịch; tài chính; vận tải và kho bãi; công nghệ thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản, bất động sản; tư vấn, khoa học, công nghệ; y tế; giáo dục - đào tạo. Đồng thời tập trung xây dựng một vài khu công nghiệp chuyên ngành như khu công nghiệp cơ khí chế tạo, khu công nghiệp hóa chất; hoàn tất các điều kiện cần thiết đưa khu công nghệ cao thành phố vào hoạt động.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, Thành phố tập trung xây dựng nền nông nghiệp gắn liền với đặc trưng của một đô thị lớn theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển theo chiều sâu các mô hình sản xuất kết hợp với kinh doanh, dịch vụ phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, các mô hình tổ chức sản xuất có hiệu quả như kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, kinh tế hộ gia đình.

Về phát triển đô thị, tiếp tục chỉnh trang đô thị hiện hữu và mở rộng đô thị mới nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Thành phố - một đô thị cấp quốc gia có quy mô dân số thường xuyên khoảng 10 triệu người vào năm 2020. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, Khu đô thị Nam Sài Gòn (bao gồm đô thị Cảng Hiệp Phước), Khu đô thị Tây Bắc Thành phố và các khu dân cư mới khác, tạo điều kiện để tái bố trí dân cư hợp lý, bảo đảm các tiêu chuẩn của một đô thị hiện đại.

Ngoài ra, Thành phố tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả các chương trình xã hội; thực hiện tốt chính sách với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, người nghỉ hưu; quan tâm chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội song song với tổ chức phối hợp lồng ghép có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân đầu người/năm vào năm 2010 là 2.500 USD, năm 2020 khoảng 6.000 USD. Phấn đấu tỷ trọng lao động trong các khu vực dịch vụ; công nghiệp - xây dựng; nông - lâm - ngư nghiệp lần lượt là 62%; 36%; 2%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong tổng lao động đang làm việc đạt trên 55% vào năm 2010 và đạt trên 65% vào năm 2020.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ giai đoạn 2010-2020, Tp.HCM sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, trong đó lấy phát triển công nghiệp làm mũi nhọn, đặc biệt là công nghệ cao. Hiện nay, tốc độ đổi mới công nghệ tại Tp. HCM đạt khoảng 12%/năm, được coi là cao nhất nước. Thành phố đang thực hiện các chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực trên cơ sở các sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh cao (công nghệ thông tin và viễn thông, chế tạo máy, cơ khí chính xác và tự động hoá, vi điện tử). Cũng trong giai đoạn 2010-2020, Thành phố sẽ xây dựng các sản phẩm công nghiệp chủ lực theo hướng vừa liên kết, vừa hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm nhằm tối ưu hoá các nguồn lực trong quá trình phát triển, hạn chế tình trạng khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa hiện nay.

Thành phố cũng chủ động khai thác và mở rộng các hoạt động kinh tế dịch vụ để trở thành một trung tâm tài chính lớn của cả nước. Hoạt động kinh tế dịch vụ là một trong những thế mạnh vốn có của Thành phố, có tác động lan tỏa và hỗ trợ cho phát triển công nghiệp. Trong đó, hoạt động tài chính, thị trường chứng khoán và ngân hàng là những dịch vụ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là phương tiện thu hút các nguồn vốn trong nước, khu vực và thế giới. Hiện nay, tổng giá trị giao dịch cổ phiếu tại Trung tâm chứng khoán Tp.HCM đạt khoảng 0,5-1% GDP của cả nước.

Ngoài ra Thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của vùng, sân bay quốc tế Long Thành, các công trình, dự án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Tập trung vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống Logistics trong vùng Đông Nam bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng, trong đó bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh (giao thông, kho bãi) và mạng thông tin quản lý (tài chính, ngân hàng, hải quan, thuế...) kết nối đến từng khu, cụm công nghiệp toàn vùng. Kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập Quỹ tài chính phát triển hạ tầng kỹ thuật trên cơ sở đóng góp tài chính của các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và có sự hỗ trợ của Trung ương. Thaành phố cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách và cơ chế chung nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia mạnh mẽ vào hoạt động tài chính - tín dụng ngân hàng trên địa bàn vùng; trong đó phát huy vai trò của Tp.HCM - nơi có đủ điều kiện để tập trung các hoạt động tài chính, ngân hàng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Quan trọng hơn, Thành phố sẽ mở rộng và tăng cường liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ kết nối Thành phố với các tỉnh, thành phố lân cận. Đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị phụ trợ trên quy mô toàn vùng dựa trên sự liên kết giữa các địa phương trong vùng, hướng đến phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt ngày càng cao của nhân dân Tp.HCM nói riêng và trong toàn vùng nói chung.

Viết Đông