Phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum phỏng vấn ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh về những nhiệm vụ, kế hoạch của ngành môi trường tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn 2010-2015.
Ông có thể cho biết một số kết quả mà ngành tài nguyên môi trường tỉnh Tây Ninh đạt được trong thời gian qua?
Về lĩnh vực môi trường, đến nay toàn tỉnh có 1360 dự án lập hồ sơ về môi trường và được các cơ quan chức năng phê duyệt. Trong đó có 154 nhà máy, cụm lò mỳ, lò gạch thủ công có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh đã thẩm định và phê duyệt 66 báo cáo ĐTM, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt 64 bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường của các dự án đầu tư, cấp 23 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, cấp cho 3 doanh nghiệp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu. UBND các huyện xác nhận 412 bản cam kết bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh theo phân cấp của Chính phủ.
Hàng năm, Sở xây dựng kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sau những đợt thanh, kiểm tra xử lý vi phạm, tính đến nay đã có 36 cơ sở xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải và được xác nhận đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường.
Về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản: Sở đã kết hợp với các ngành có liên quan hoàn thành “quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2005-2010”; quy hoạch thăm dò khai thác cát, sỏi lòng sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông trên địa phận tỉnh nhà; quy hoạch 61 điểm khai thác tận thu cuội sỏi laterit, thạch anh, đất phún, đất san lấp, cát xây dựng, sét gạch ngói. Ngoài ra, Sở cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành luật pháp về tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh nhờ đó việc quản lý tài nguyên nước đã từng bước ổn định đi vào nề nếp.
Ngành tài nguyên và môi trường Tây Ninh đã có những biện pháp cũng như sụ phối hợp như thế nào với các ban, ngành trên địa bàn tỉnh trong việc ngăn ngừa các trường hợp xả chất thải gây ô nhiễm môi trường từ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trên địa bàn?
Những năm qua ngành tài nguyên môi trường tỉnh Tây Ninh đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để quản lý và bảo vệ môi trường. Trong đó, biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường được đặt lên hàng đầu bởi vì đây là biện pháp có hiệu quả và ít tốn kém chi phí khắc phục nhất. Để thực hiện được những biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường, Sở TN-MT đã đề ra nhiều biện pháp thực hiện:
Tích cực phối hợp với các ban, ngành và chính quyền các cấp cùng tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức như: tổ chức tập huấn về quản lý và bảo vệ môi trường cho lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thực hiện quản lý và bảo vệ môi trường từ cấp huyện, thị xã đến cơ sở. Phòng TN-MT các huyện, thị xã đã tổ chức tập huấn công tác BVMT cho các cán bộ quản lý ở các ấp, khu phố, các tổ dân cư tự quản về BVMT. Các tổ chức chính trị-xã hội đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT. Các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin về các hoạt động BVMT trên địa bàn, do đó nhận thức về BVMT của các cấp và toàn thể nhân dân được nâng lên góp phần phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh để tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, trong đó chú trọng việc áp dụng công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải bảo vệ môi trường và các dự án sau khi được phê duyệt phải đầu tư các công trình xử lý chất thải mới được phép hoạt động. Hàng năm, ngành tài nguyên môi trường đều tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xử lý trên 30 cơ sở, nhà máy gây ô nhiễm môi trường nhằm đạt tiêu chí theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2005-2010 đề ra là 100% cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phải đạt tiêu chuẩn môi trường.
Xin ông cho biết những khó khăn của Tây Ninh trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường?
Tây Ninh cũng có không ít khó khăn, đó là: công tác thông tin, tuyên truyền về môi trường, tài nguyên lâu nay vẫn còn nặng về tính hình thức, chưa tạo được ý thức, thói quen bảo vệ môi trường trong nhân dân. Chưa phát huy hết vai trò của đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong phong trào quần chúng bảo vệ môi trường và tài nguyên. Công tác quản lý về lĩnh vực này chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành, chính quyền địa phương và cảnh sát môi trường trong công tác thanh, kiểm tra chưa chặt chẽ, đồng bộ, còn mang tính thời điểm cho từng sự việc, từng nhiệm vụ cụ thể, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh trong khắc phục ô nhiễm môi trường.
Các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp chủ yếu là ngành chế biến khoai mì, sơ chế mủ cao su được xây dựng trên thượng nguồn các sông, suối, rạch thải ra lượng nước thải tương đối lớn. Mặc dù đã có những biện pháp xử lý nhưng chưa đảm bảo tiêu chuẩn quy định nên chưa khắc phục được các tác động tiêu cực của các nguồn chất thải ra môi trường.
Nhân lực, trang thiết bị phục vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ. Kinh phí đầu tư cho các công trình xử lý môi trường của tỉnh còn nhiều hạn chế như công trình thu gom, xử lý nước thải, rác thải tập trung của đô thị, khu đông dân cư và chất thải y tế chưa được đầu tư xử lý triệt để, chưa thành lập được quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh để hỗ trợ các công trình xử lý môi trường của địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Khôi Nguyên