Thời gian qua, vượt lên những khó khăn thách thức, tỉnh Bến Tre vẫn thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trên từng khu vực. Cùng với đó, Bến Tre sẽ tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực trọng tâm, đột phá trong nền kinh tế là phát triển công nghiệp, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nền nông nghiệp với nhiều thế mạnh nhằm tạo động lực cho kinh tế xã hội địa phương ngày càng phát triển. Đó là những chia sẻ của ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch của UBND tỉnh Bến Tre với Tạp chí Vietnam Business Forum về những định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Hà Linh thực hiện.
Xin ông cho biết một số thành tựu nổi bật mà Bến Tre đạt được trong 6 tháng đầu năm 2012?
Thời gian qua tuy đối mặt nhiều khó khăn nhưng Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, điều hành quyết liệt việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu cao của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh và sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả từ Trung ương đã giúp Bến Tre khắc phục khó khăn, thúc đẩy kinh tế tiếp tục tăng trưởng trên từng khu vực. Tổng sản phẩm địa phương đạt 5.047,046 tỷ đồng, tăng 6,29% so với cùng kỳ. Trong đó: Nông, lâm thuỷ sản tăng 2,68%; Công nghiệp và xây dựng tăng 9,07% ; Dịch vụ tăng 8,95% so cùng kỳ.
Sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản tiếp tục tăng trưởng khá. Trong điều kiện giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh, khu vực I chiếm khoảng 50% trong cơ cấu GDP, nhưng vẫn tiếp tục tăng 2,68% so với cùng kỳ là một thành quả đáng kể. Phần lớn các loại cây trồng, vật nuôi đều cho năng suất, sản lượng khá cao so với cùng kỳ, do đó đã bù đắp vào sự sụt giảm giá của các mặt hàng nông sản; chăn nuôi, thủy sản cũng tăng cả về số lượng và chất lượng.
Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng, giá trị sản xuất ước đạt 2.339,5 tỷ đồng, tăng 17,2% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có bước phát triển khá, tăng 81,3% so cùng kỳ, do một số doanh nghiệp có quy mô lớn đã đi vào sản xuất ổn định, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp.
Hoạt động thương mại - dịch vụ chuyển biến tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 10.526,6 tỷ đồng, tăng 14,9% so cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu tăng khá, ước kim ngạch xuất khẩu khoảng 197,7 triệu USD, tăng 14% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước 69,94 triệu USD, đạt 58,3% kế hoạch, tăng 40,9% so cùng kỳ.
Du lịch phát triển khá, cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư với quy mô tương đối lớn và mở thêm các điểm mới, phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách. Vào đầu tháng 4/2012, tỉnh tổ chức thành công Festival Dừa lần thứ III, với quy mô cấp quốc gia, đã thu hút hàng trăm ngàn khách đến tham quan. Nhờ đó, doanh thu du lịch tăng lên đáng kể, ước khoảng 239,3 tỷ đồng, đạt 66,5% kế hoạch, tăng 54,4% so cùng kỳ.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo các chương trình kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và đạt kết quả khả quan; an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định. Đây là sự cố gắng rất lớn của các ngành, các cấp trong tỉnh và cũng là tiền đề, động lực thúc đẩy sự tăng trưởng cao hơn trong những tháng còn lại của năm 2012.
Dự báo trong thời gian tới, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, vậy Bến Tre sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nào để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được phát triển?
Theo dự báo, tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tại Bến Tre, doanh nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do thị trường thu hẹp, sức mua giảm, giá cả biến động mạnh, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa. Hiện nay, vấn đề sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ dừa là một thách thức lớn đối với tỉnh.
Trước tình hình trên, trước mắt, tỉnh sẽ tập trung tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhất là các sản phẩm từ dừa, góp phần giải quyết khó khăn cho nông dân. Đồng thời, tỉnh cũng tích cực kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan hỗ trợ tỉnh thực hiện các giải pháp ngoài khả năng và thẩm quyền của tỉnh như điều tiết khoản tiền thuế thu từ xuất khẩu dừa trái, có chính sách đầu tư phát triển cây dừa, hỗ trợ lãi suất cho vay ưu đãi, miễn, giảm thuế các phụ phẩm tận thu từ dừa,… nhằm góp phần giải quyết bài toán khó mà ngành dừa của tỉnh đang đối mặt.
Tỉnh cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, hấp thụ các nguồn vốn vay của ngân hàng để đầu tư sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng cao, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Tăng cường công tác khuyến công, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác, các làng nghề tiểu - thủ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp với quy mô lớn, phù hợp định hướng và lợi thế của tỉnh gắn với bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, Bến Tre tập trung đầu tư phát triển những lĩnh vực nào?
Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX xác định 3 lĩnh vực trọng tâm, đột phá trong nền kinh tế là phát triển công nghiệp, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển 3 khâu đột phá này.
Bến Tre được biết đến là tỉnh đi lên từ sản xuất nông nghiệp, với hai thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển. Đây là hai lĩnh vực đóng góp rất lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm qua và cũng là lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế lớn của tỉnh. Vì vậy, tỉnh cũng tập trung đầu tư phát triển hai lĩnh vực này, nhất là kinh tế biển, trong đó thuỷ sản đóng vai trò rất quan trọng.
Ông có thể cho biết những mục tiêu của Bến Tre năm 2012 là gì?
Năm 2012 là năm được dự báo có nhiều khó khăn, thậm chí hơn năm 2011, tuy nhiên với tinh thần vượt khó vươn lên, tỉnh đã đề ra mục tiêu chung như sau: Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cơ cấu lao động theo hướng bền vững; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân.
Trong năm 2012, tỉnh sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) khoảng 10%. Giá trị gia tăng ngành nông-lâm-ngư nghiệp đạt 5,9%, ngành công nghiệp-xây dựng đạt 11,95%, ngành thương mại-dịch vụ đạt 10,3% so với năm 2011. Cơ cấu kinh tế: khu vực I chiếm 49,1%; khu vực II chiếm 17,1% và khu vực III chiếm 33,8%.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, trong 6 tháng còn lại của năm 2012, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; mở rộng thị trường xuất khẩu; nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện tốt hơn việc bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường; giữ vững ổn định về an ninh chính trị và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
03/10/2024
Khách sạn Công đoàn, 14 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI