Định hướng đến năm 2020, TP.HCM sẽ từng bước xây dựng và hiện đại hóa mạng lưới giao thông nhằm đảm bảo cho sự phát triển ổn định, cân bằng, bền vững và lâu dài, góp phần đưa TP.HCM trở thành đô thị trung tâm cấp quốc gia và là trung tâm thương mại - dịch vụ lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, giao thông đô thị TP.HCM được quy hoạch theo quan điểm "thành phố mở", nối liền các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp... để hỗ trợ nhau phát triển đồng bộ, khai thác tốt thế mạnh kinh tế-xã hội tổng hợp của toàn vùng.
Riêng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, TP.HCM sẽ xây dựng các đường cao tốc có năng lực thông xe lớn như đường cao tốc TP.HCM-Vũng Tàu, TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây- Đà Lạt..; xây dựng các đường vành đai 1 thành đường đô thị cấp I, đường vành đai 3 xây dựng theo các điểm khống chế; đường vành đai 4 xây dựng nối các đô thị vệ tinh của TP theo các hướng Đông và Bắc. Để giải quyết cơ bản tình trạng kẹt xe, quy hoạch giao thông chú trọng xây dựng các phương tiện vận tải hành khách khối lượng lớn bao gồm sáu tuyến tàu điện ngầm đi các hướng và ba tuyến xe điện trên mặt đất.
Để đáp ứng việc giao thông trực tuyến ở các trục có lưu lượng giao thông lớn sẽ cho xây dựng 4 tuyến đường trên cao liên thông với nhau. Sông Sài Gòn sẽ có thêm 14 cây cầu dành cho cả đường bộ và đường sắt, xây dựng mới 2 hầm sang Thủ Thiêm bao gồm hầm cho đường bộ và hầm cho tàu điện ngầm. Về mạng giao thông đường sắt, TP.HCM sẽ xây dựng mới các tuyến đường sắt TP.HCM-Lộc Ninh- Campuchia (đường sắt xuyên Á) nối ray tại ga Dĩ An, tuyến vành đai phía Tây từ ga An Bình đến Mỹ Tho - Cần Thơ. Tuyến TP.HCM đi Nha Trang sẽ được xây mới với đường đôi cao tốc chạy bằng điện lưới. Ngoài ra, sẽ có thêm hai tuyến đường sắt chuyên dụng nối từ đường sắt quốc gia với các cảng: Hiệp Phước, Cát Lái và các tuyến đường sắt hướng tâm: Trảng Bàng - Tân Thới Hiệp, Thủ Thiêm - Nhơn Trạch - Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong đô thị thì chủ yếu quy hoạch các tuyến đường sắt quốc gia hướng tâm cho chạy tàu ngoại ô và 2 tuyến đường sắt nhẹ khác. Phát triển hệ thống tàu điện ngầm với 6 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP.
Riêng mạng giao thông đường thủy và hệ thống cảng biển, cảng sông. Phát huy thế mạnh của vùng đất có nhiều sông ngòi, kênh rạch, nhiều tuyến vận tải thủy liên tỉnh và vành đai nội đô cũng sẽ được khôi phục, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền từ TP.HCM đi Cà Mau, Kiên Lương, Đồng Tháp Mười, Mộc Hóa, Bến Súc, Đồng Nai, Vũng Tàu... Cải tạo lại các luồng sông cũ như Lòng Tàu, Soài Rạp; nâng cấp các luồng tàu sông còn lại. TP cũng xây dựng mới cảng sông Nhơn Đức nhằm đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long về qua cụm cảng biển Hiệp Phước.
Về đường hàng không, đến năm 2020 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng không của khu vực và thế giới. Ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, TP sẽ có thêm sân bay quốc tế Long Thành với quy mô tầm cỡ khu vực, đủ khả năng phục vụ đi lại cho hành khách trong tương lai.
Có thể nói, quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã tạo cho TP một thế mở về các hướng, tạo điều kiện cho đô thị này phát triển ổn định, cân bằng, bền vững về lâu dài. Tuy nhiên theo ông Lê Toàn - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP, dự kiến tổng quỹ đất dành cho quy hoạch này lên tới 12.331 ha, chiếm 17% diện tích đất đô thị với tổng số vốn đầu vào khoảng 410.540 tỷ đồng. Chưa bàn đến nguồn vốn huy động từ đâu nhưng chỉ riêng với tổng diện tích đất dành cho quy hoạch giao thông lớn như vậy thì chắc chắn TP sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Muốn vượt qua thử thách này, ngoài việc chính quyền và các nhà đầu tư cần có chính sách đền bù thích đáng, thì bản thân người dân cũng cần có ý thức tự giác, hợp tác với chính quyền vì một TP.HCM văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Thiện Tân
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI