HÀ GIANG

Từng bước hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn Hà Giang

11:17:57 | 19/5/2014

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang năm 2014 là cơ hội để Hà Giang đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, kết quả phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu thu hút đầu tư, hợp tác phát triển với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh diễn ra Hội nghị này, phóng viên Vietnam Business Forum đã có buổi trao đổi trực tiếp với Ông Nguyễn Đức Vinh- Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang. Hà Thu thực hiện.

Trước hết, xin ông đánh giá về tình hình sản xuất Nông nghiệp tại Hà Giang trong thời gian qua?

Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự quyết tâm cao, các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh nên đã giành được  kết quả to lớn. Sản xuất nông lâm nghiệp phát triển ổn định, tăng trưởng liên tục, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá ngày càng rõ nét và hiệu quả đã góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo bền vững, đưa nông nghiệp và nông thôn của tỉnh  từng bước  thực hiện “công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trong năm đạt 5.085 tỷ đồng, tăng 6,34% so với năm 2012. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 36,5 triệu đồng/ha vượt 6,5 triệu đồng/ha so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, vượt trước thời gian là hai năm.

Đới với chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi trong thời gian tới, ông có những đánh giá cũng như nhận định như thế nào về quá trình này tại Hà Giang?

Nhìn chung trong những năm qua, mặc dù nguồn vốn nhà nước hỗ trợ chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều hạn hẹp, tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, vốn huy động trong dân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ Nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Những năm tiếp theo Ngành tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, theo phương châm đầu tư tập trung, không dàn trải, lồng ghép các nguồn vốn (Chương trình 30a, chương trình 135 giai đoạn 2, Nguồn vốn hỗ trợ chống hạn, chuyển đổi diện tích đất lúa, an toàn hồ đập, các dự án ODA cho Nông nghiệp v.v.) Doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, cơ sở sản xuất, vùng nguyên liệu. Trọng tâm là: Xây dựng Hạ tầng thiết yếu như Công trình thủy lợi nhỏ, Nước sinh hoạt nông thôn, giao thông nông thôn, chợ đầu mối nông sản, cơ sở chế biến nông lâm sản v.v. Triển khai các Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”;  đặc biệt là các Chương trình "Dân vận khéo"; xây dựng mô hình "Nhà sạch, Vườn đẹp"; “Kho thóc tình thương”; Xây dựng Nông thôn mới với xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu Nông nghiệp. Nông thôn thông qua chương trình thắt chặt hơn mối quan hệ giữa dân với Đảng, Dân với Chính quyền. Quản lý tốt các chương trình, dự án nâng cao chất lượng công trình để nâng cao hiệu quả đầu tư. Phân cấp quản lý mạnh cho các huyện, các xã, các thôn bản có đủ năng lực để quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đồng thời, Ngành tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch Củng cố tăng cường quản lý, vận hành, bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt sau đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2014-2015.

Với diện tích rừng khá lớn, vậy công tác Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang quan tâm như thế nào, thưa ông?

Trong một vài năm gần đây, về đầu tư phát triển lâm nghiệp, tuy còn gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư trồng rừng mới, diện tích trồng rừng mới có giảm so với các năm trước mặc dù vậy, diện tích chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi rừng đạt kế hoạch tỉnh giao, góp phần tăng độ che phủ rừng đưa độ che phủ đạt 53,4%, diện tích rừng trồng mới trong 3 năm qua, được 19.685ha. Đối với bốn huyện vùng cao núi đá, Tiếp tục thực hiện Dự án Bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá được Chính phủ phê duyệt, trọng tâm là Bảo vệ và phát triển rừng như hỗ trợ trực tiếp cho dân thực hiện bảo vệ rừng bằng gạo trong năm 2013 đã cấp cho 4 huyện 1.553,4 tấn gạo đạt 100% kế hoạch. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp bằng gạo cho người dân thực hiện khoanh nuôi báo vệ rừng, tỉnh hỗ trợ nhân dân thực hiện chương trình bếp đun cải tiến 2013 – 2015 tổng số gần 29 nghìn bếp, đến nay đã thực hiện được trên 10 nghìn bếp. Năm 2014 thực hiện trồng mới là 4.400ha, năm 2015 thực hiện tiếp 4.100ha và các doanh nghiệp trồng và trồng thay thế 4.807ha. Như vậy ước tính đến năm 2015 diện tích trồng rừng mới đạt 32.992ha, đạt 50% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Tiếp tục thực hiện khoanh nuôi phục hồi rừng 33.00ha, bảo vệ rừng 194.500 ha, để đạt 100% Nghị quyết của tỉnh, đến năm 2015 tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 55%; Quan điểm phải tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu trồng rừng mới đạt diện tích cao nhất có thể, thông qua các chương trình.