LÂM ĐỒNG

Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Lâm Đồng: Đi lên bằng nội lực

10:20:18 | 15/12/2014

Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Lâm Đồng được thành lập từ năm 2012 trên cơ sở sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Lâm Đồng cũ với Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp Bảo Lộc. Dù mới đi vào hoạt động chưa đầy hai năm nhưng trung tâm đã có những bươc tiến vượt bậc, năng lực và hiệu quả trong hoạt động không ngừng được nâng lên, qua đó đang ngày càng đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Đồng Tuyên, Giám đốc Trung tâm cho biết, sau khi sáp nhập, hiện Trung tâm đang đang hoạt động với các chức năng chính như: Bổ túc văn hoá, dạy nghề phổ thông, liên kết đào tạo, dạy nghề nông thôn. Năm học 2014 – 2015, riêng lĩnh vực bổ túc văn hoá toàn trung tâm có 15 lớp với 609 học viên. Lĩnh vực dạy nghề phổ thông, gồm các nghề: tin học, nhiếp ảnh, nấu ăn, cắt may, điện dân dụng, điện tử có 97 lớp với 3.580 học sinh, trong đó, trung học cơ sở 48 lớp: 1873 học sin; trung học phổ thông 49 lớp: 1707 học sinh. 


Liên kết đào tạo, là một trong những điểm sáng trong hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua. Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp đại học, trung cấp hệ vừa học vừa làm, các lớp bồi dưỡng ngắn hạn và liên kết với một số trường Đại học, Cao đẳng, TCCN trong và ngoài tỉnh mở các lớp liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học. Hiện có 20 lớp đại học với 1280 sinh viên, thuộc các ngành Luật, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Kỹ thuật Điện; các lớp sư phạm mầm non: Mầm non, Toán, Vật lý và một lớp văn thư lưu trữ với 50 học viên.

Năm học 2014 – 2015 Trung tâm vừa chiêu sinh đang ôn tập thi đầu vào 3 lớp ĐH Luật, Kế toán, Kỹ thuật điện với  hơn 120 thí sinh. Dự kiến chiêu sinh mở thêm 3- 4 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn. Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với các trường đại học tổ chức ôn tập và thi chứng chỉ A, B tiếng Anh và tin học, bình quân 40 học viên/tháng. Mỗi tháng bình quân mở một khoá đào tạo lái xe mô tô hạng A1 với bình quân 300 học viên (trung bình 3000 hv mỗi năm).

Lĩnh vực dạy nghề nông thôn, năm học 2014 – 2015 Trung tâm phối hợp với 11 Trung Tâm học tập cộng đồng xã, phường của TP.Bảo Lộc tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học tập theo phương châm “cần gì học nấy” để tổ chức các lớp tập huấn và dạy nghề cho lao động nông thôn.

Như vậy, có thể thấy với những khó khăn sau khi sáp nhập và hoạt động đào tạo ở nhiều lĩnh vực hiện rất cạnh tranh nhưng thời gian qua Trung tâm đã có rất nhiều nỗ lực. Thành quả trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng theo ông Nguyễn Đồng Tuyên thì có hai nguyên nhân chính là khách quan và chủ quan.

Về khách quan, Trung tâm GDTX là đơn vị cấp tỉnh với nhiều chức năng nhiệm vụ, nên được Sở giáo dục tỉnh chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện pháp lý thuận lợi nên đã tổ chức được nhiều hoạt động giáo dục đào tạo đa dạng. Kế đến, do Trung tâm nằm ở vị trí trung tâm của thành phố Bảo Lộc và kể các các tỉnh lân cận nên tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút người học, nhất là các lớp đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Và không thể không kể đến đó là nhu cầu học tập tại khu vực trong các lĩnh vực còn lớn.

Về chủ quan, ông Nguyễn Đồng Tuyên cho biết, nội bộ của Trung tâm hiện rất đoàn kết; Ban giám đốc Trung tâm hiện toàn là những người có tuổi đời, tuổi nghề khá cao, có nhiều kinh nghiệm trong công tác giáo dục và quản lý. Việc phân công nhiệm vụ cũng được thực hiện một cách rõ ràng, cụ thể đến từng thành viên trong ban giám đốc cho đến nhân viên, nhờ đó đã phát huy hiệu quả trong công tác. Đội ngũ giáo viên có chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt, nhân viên nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm cao. Từ đó tạo hiệu ứng dây chuyền:hoạt động hiệu quả, thu nhập của người lao động tăng, tạo ra sự gắn bó và tinh thần trách nhiệm được nâng lên.

Như đã đề cập, do là đơn vị mới sáp nhập, bản thân hai trung tâm trước đây hoạt động độc lập, nhưng khi sáp nhập lại thì chỉ là một, cơ sở vật chất rất thiếu, đặc biệt là phòng học, phòng thí nghiệm thực hành để dạy Bổ túc văn hoá, dạy nghề phổ thông và các lớp liên kết đào tạo. Điều này khiến trung tâm gặp khá nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đo đặc thù đối tượng là bổ túc văn hoá nên công tác quản lý cũng gặp khó khăn. Ngoài ra cng tác tuyển sinh cũng ngày một khó khăn.  Để khắc phục những hạn chế này, thời gian qua Trung tâm đã đề ra một số giải pháp. Theo đó, về cơ sở vật chất, thiết bị, trung tâm đã tận dụng mọi nguồn lực kinh phí tiết kiệm và tích luỹ được để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thêm thiết bị từ đó phục vụ đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay Trung tâm đã tạo được nguồn kinh phí tự có với tổng số tiền khoảng 1,9 tỷ để nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị. “Quan điểm cửa chúng tôi là phải chủ động với nội lực của mình còn sự giúp đỡ bên ngoài chỉ là thứ yếu. Hay nói cách khác là tự cứu mình trước khi trời cứu”, ông Nguyễn Đồng Tuyên chia sẻ.

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đầu tư toàn diện để nâng cao chất lượng đào tạo, làm sao để đáp ứng tốt nhất nhu cầu xã hội từ đó góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa của địa phương và khu vực.

Hương Giang