THỪA THIÊN - HUẾ

Đào tạo nghề bám sát nhu cầu thực tiễn

05:36:41 | 21/6/2019

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt chú trọng đến khâu đào tạo nghề theo hướng chuẩn hóa gắn với nhu cầu thị trường, góp phần tạo ra nguồn nhân lực trình độ cao có thể trực tiếp tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh từng bước được kiện toàn, được đầu tư xây dựng ngày càng hiện đại; năng lực đào tạo dần đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực trực tiếp và nhân lực có tay nghề cao. Trong tuyển sinh, các cơ sở dạy nghề đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền về GDNN với nhiều hình thức đa dạng như: đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản bản tin GDNN và thị trường lao động; tổ chức “Ngày hội tuyển sinh, tuyển dụng lao động”,... Đồng thời, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác phân luồng học sinh THCS, THPT thông qua các hoạt động tư vấn, định hướng GDNN. Nhờ đó, kết quả tuyển sinh cơ bản thực hiện được kế hoạch đã đặt ra, khối các trường dạy nghề giữ được đà phát triển ổn định.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 36 trường, trung tâm, cơ sở giáo dục đào tạo nghề. Năm 2018 tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho 18.199 người, đạt 121% kế hoạch. Trong đó, trình độ cao đẳng 2.620 người, chiếm 14%; trình độ trung cấp 2.024 người, chiếm 11,12%; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 13.590 người, chiếm 74,67%. Các trường, trung tâm tập trung đào tạo nghề gắn với nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế địa phương như: lĩnh vực cơ khí, dệt may, điện tử - viễn thông, dịch vụ du lịch, y tế,... Thông qua các lớp dạy nghề, nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm và nguồn thu nhập chính đáng.

Đặc biệt, Thừa Thiên Huế làm tốt công tác gắn kết GDNN với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động - việc làm. Trong đó, đẩy mạnh công tác chỉ đạo các đơn vị đổi mới chương trình, giáo trình; chú trọng đào tạo thực hành cho người học; tăng thời gian tự rèn luyện tay nghề và làm việc theo nhóm cho học sinh, sinh viên. Các cơ sở GDNN chủ động mời doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia trong công tác xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình... đảm bảo nội dung đào tạo tương ứng với dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại. Thực hiện tốt mô hình liên kết 3 Nhà: Nhà nước - Nhà trường và Nhà doanh nghiệp; tăng cường công tác liên doanh, liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Năm 2018, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động, trong đó có gần 1.100 lao động làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cũng còn khó khăn do nhiều doanh nghiệp giảm quy mô, tái cơ cấu, giảm nhu cầu sử dụng lao động. Cùng với đó, nhận thức của xã hội, gia đình, người học về việc học nghề còn hạn chế. Để khắc phục những khó khăn này, ngành lao động thương binh và xã hội đã đề ra nhiều giải pháp trong đó, rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh, hình thành các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo đa cấp trình độ, trường chất lượng cao. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng, khởi nghiệp để thu hút thêm nhiều đối tượng tham gia học nghề ở các trình độ, phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về các cơ sở GDNN, hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, nhu cầu lao động của doanh nghiệp, diễn biến thị trường lao động. Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp sử dụng lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực đòi hỏi công nghệ sản xuất hiện đại. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDNN.