Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, qua 30 năm tái lập, tỉnh Quảng Ngãi đã vươn lên gặt hái nhiều thành tựu đáng khích lệ; nổi bật là xây dựng thành công KKT Dung Quất - hạt nhân tăng trưởng và là động lực phát triển của tỉnh với trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu; đưa Quảng Ngãi tiến nhanh trên con đường CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo ghi nhận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ông Trần Ngọc Căng, những thành tựu đạt được rất đáng tự hào và hết sức trân quý; song cũng đồng thời đặt ra cho tỉnh nhà nhiều kỳ vọng, trách nhiệm lớn hơn trong tương lai. Công Luận thực hiện.
Chặng đường 30 năm tái lập, tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực đạt được những thành tựu đáng ghi nhận nào, thưa ông?
Trong ba thập kỷ qua, quy mô và cơ cấu kinh tế tỉnh nhà đã có sự thay đổi lớn; nhất là sau khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động năm 2009. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 ước đạt 54.906 tỷ đồng, tăng gấp 19,5 lần so với năm 1989, trong đó: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng gấp 5,02 lần; công nghiệp - xây dựng tăng gấp 132,85 lần; dịch vụ tăng gấp hơn 21,97 lần. Từ nền kinh tế thuần nông, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn những năm 1990 thì đến nay, kinh tế có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đến năm 2019, cơ cấu công nghiệp - xây dựng tăng lên 53,01%, dịch vụ 29,83% và nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 17,16%. Thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt, từ 909.000 đồng/tháng/người năm 2010, tăng lên 2,8 triệu đồng/tháng/người năm 2018. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các thời kỳ, đạt nhiều kết quả vượt bật, nhất là khi Nhà máy lọc dầu đi vào hoạt động; đến năm 2019, thu ngân sách ước đạt 20.000 tỷ đồng, gấp 1.227 lần so với năm 1989.
Nông nghiệp tăng trưởng ổn định, đảm bảo nhu cầu lương thực, từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Giá trị sản xuất nông lâm và thuỷ sản năm 2019 ước đạt 15.904 tỷ đồng, gấp 5,02 lần so với năm 1989, bình quân hàng năm tăng 5,5%.
Ngành công nghiệp có nhiều đột phá và phát triển vượt bậc. Năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 124.870 tỷ đồng, gấp gần 207 lần so với năm đầu tái lập tỉnh; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,5%/năm. Năm 2009, khi Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đi vào hoạt động, đã tạo bước đột phá và giữ vai trò chủ lực ngành công nghiệp của tỉnh. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành gần 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp với quy mô, công suất lớn, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylen, Nhà máy sản xuất thiết bị công nghiệp nặng Doosan Vina, Nhà máy sản xuất thiết bị điện GE, các thiết bị điện tử… cung cấp không chỉ cho thị trường trong nước, còn xuất khẩu đi gần 20 nước tiên tiến trên thế giới.
Hoạt động thương mại, dịch vụ không ngừng được mở rộng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 ước đạt 55.947 tỷ đồng, gấp 492 lần so với năm 1989. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, từ 3,92 triệu USD năm 1989 đến năm 2019 ước đạt 560 triệu USD, tăng gấp 150 lần. Thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng, mở rộng đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Đan Mạch, UAE, Saudi Arabi và các quốc gia trong ASEAN. Hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng du lịch được tập trung đầu tư, phát triển nhiều điểm, khu du lịch mới; đã thu hút 28 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký 4.624 tỷ đồng. Năm 2018, du lịch Quảng Ngãi đón 1 triệu lượt du khách, gấp hơn 70 lần so với năm 1989; doanh thu đạt 950 tỷ đồng, gấp 300 lần. Trong đó, riêng Lý Sơn đón tiếp hơn 230.000 lượt du khách.
Huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội ngày càng tăng cao, đạt 43.000 tỷ đồng năm 2019; kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, các Khu công nghiệp, Khu Kinh tế được đầu tư đồng bộ, hiện đại phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế.
Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trong giai đoạn 1990-1999 mới chỉ có 68 doanh nghiệp được thành lập thì đến giai đoạn 2000-2005 có 710 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gấp hơn 10 lần. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 7.619 doanh nghiệp được thành lập, gấp 177 lần so với năm 1989 (hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả).
Môi trường đầu tư tại tỉnh không ngừng được nâng cao, cải thiện. Tỉnh đã ban hành và triển khai áp dụng nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh. Năm 1995, dự án FDI đầu tư đầu tiên vào tỉnh với quy mô rất nhỏ, vốn đầu tư là 0,42 triệu USD, thì đến nay, đã thu hút được 63 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 1,77 tỷ USD, trong đó, có 31/63 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, như: Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina (310 triệu USD), Giày da Ricker (28 triệu USD), dự án Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP (125,35 triệu USD), Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Foster (15 triệu USD), Nhà máy sản xuất và gia công giày KingRiches (20 triệu USD), Nhà máy sản xuất giày Proper – Dung Quất (25 triệu USD), Xindadong (95 triệu USD); giải quyết việc làm cho hơn 18.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm.
Đối với các dự án đầu tư trong nước, trong năm đầu tái lập tỉnh chỉ có các xí nghiệp, nhà máy quốc doanh như: nhà máy đường Quảng Ngãi, nhà máy cơ khí An Ngãi, xí nghiệp đá Mỹ Trang, xí nghiệp đông lạnh và một số xí nghiệp sản xuất nông, ngư cụ... Đến đầu năm 2019, có 518 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 231.686 tỷ đồng, đầu tư vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực, với quy mô lớn như: Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất (3 tỷ USD); dự án Polypropylene Dung Quất (232 triệu USD), Thủy điện Đakdrinh (5.800 tỷ đồng) và gần đây nhất là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất (60.000 tỷ đồng), cùng nhiều dự án lớn đã triển khai và đi vào hoạt động.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế - giáo dục có nhiều tiến bộ; đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Năm 2019, ước tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 7,79%, trong đó, miền núi giảm còn 25,96% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020); đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác quản lý điều hành ngày một hiệu quả, chặt chẽ hơn, tạo tiền đề thuận lợi cho chặng đường phát triển tiếp theo.
Trên cương vị người đứng đầu UBND tỉnh, bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được, vẫn còn điều gì khiến ông phải trăn trở, băn khoăn?
Nền kinh tế chậm chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, về hiệu quả và sức cạnh tranh. Nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm, các hạ tầng thiết yếu còn hạn chế; môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn bất cập. Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là vùng nông thôn, miền núi, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động có thu nhập thấp và đồng bào dân tộc thiểu số. Các lĩnh vực văn hoá xã hội phát triển về bề rộng, nhưng nhiều mặt còn hạn chế về chất lượng; xã hội hóa về y tế, giáo dục chưa đạt nhiều kết quả; môi trường một số nơi bị ô nhiễm; tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội còn tiếp diễn phức tạp.
Để khắc phục những bất cập trên, phát huy mạnh mẽ mọi tiềm năng tiềm lực sẵn có, đưa Quảng Ngãi bay cao, vươn xa hơn nữa trong hành trình hội nhập, tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào?
Trong thời gian tới, Quảng Ngãi tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong đó: quyết liệt thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá (phát triển công nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) và 3 nhiệm trọng tâm (phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển đảo; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính). Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa các công trình, dự án trọng điểm vào hoạt động (Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm; Nhà máy điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh; Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất; hình thành Trung tâm lọc hóa dầu Quốc gia tại KKT Dung Quất...) tạo động lực lan tỏa đến các vùng khác trong tỉnh; đẩy mạnh mối liên kết liên tỉnh, liên vùng và quốc tế cũng như tạo điều kiện cho tỉnh phát triển mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; xác định được sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng để ưu tiên hỗ trợ đầu tư. Tiếp tục phát triển nhanh ngành thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế biển đảo; kết hợp thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng như: khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng của FLC tại Khu Kinh tế Dung Quất, Khu du lịch nghỉ dưỡng King Bay - Sa Huỳnh,…
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao Chỉ số PCI; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp. Phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm, có địa chỉ cụ thể, trong đó đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn. Dành trọng tâm cho xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án: cầu Cửa Đại; nâng cấp, mở rộng QL 1 (đoạn Dốc Sỏi - VSIP), QL 24B, cảng Bến Đình, Kè chắn cát cảng Dung Quất giai đoạn 2. Hoàn thành thủ tục để triển khai các dự án Đường Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn 2) để kết nối với tuyến đường ven biển của Quảng Nam, Bình Định; đường nối cầu từ Thạch Bích - Tịnh Phong… Tiếp tục huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị, nhất là dọc đường Mỹ Khê - Trà Khúc và đường bờ Nam sông Trà Khúc. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng đô thị thành phố Quảng Ngãi và kết cấu hạ tầng đô thị cấp huyện.
Song song đó tỉnh cũng tăng cường bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân gắn với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị, Quảng Ngãi phấn đấu hoàn thành sớm, trước thời hạn các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX để tiến đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.