Lạng Sơn là mảnh đất phía Đông Bắc của tổ quốc, tỉnh có nhiều cảnh quan tươi đẹp cùng những phong tục tập quán lễ hội đa dạng. Những năm gần đây ngành văn hóa, thể thao và du lịch Lạng Sơn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Với hệ thống giao thông mở cùng vị trí thuận lợi nằm trên hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng, từ Lạng Sơn có thể đi sang Trung Quốc qua 2 cửa khẩu quốc tế bằng tuyến đường sắt liên vận quốc tế và đường bộ. Cùng đó, hệ thống giao thông tương đối phát triển tiếp cận thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực, đây cũng làlợi thế tạo ra các cơ hội để Lạng Sơn đẩy nhanh chiến lược phát triển du lịch tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Lạng Sơn có nhiều cảnh quan thiên nhiên danh lam thắng cảnh hấp dẫn như: Động Tam Thanh, động Nhị Thanh, núi nàng Tô Thị, cột cờ Phai Vệ mang dáng dấp hòn non bộ khổng lồ giữa lòng thành phố, khu du lịch Mẫu Sơn, thung lũng Bắc Sơn… Bên cạnh đó, Lạng Sơn lưu giữ nhiều địa danh lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước của cha, ông như: Ải Mục Nam Quan, ải Chi Lăng, Thành nhà Mạc…di tích căn cứ cách mạng Bắc Sơn... Đặc biệt, năm 2017, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Mẫu Sơn đáp ứng được các tiêu chí và trở thành khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái của vùng trung du miền núi phía Bắc Bộ và cả nước.
Lạng Sơn cũng là nơi hội tụ những nét văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc với những tập quán sinh hoạt, phong tục hội hè, những món ăn truyền thống, đặc biệt là những làn điệu dân ca độc đáo như hát then (Tày, Nùng), pựt, hát sli sloong hàu, sình làng (Nùng), hát lượn slương (Tày), cỏ lẩu, đồng dao, hát quan lang… say đắm lòng người. Cộng đồng các dân tộc nơi đây cũng còn lưu giữ nhiều lễ hội mang đậm truyền thống văn hóa như: Lễ hội Đồng Đăng, Lễ hội chùa Bắc Nga (huyện Cao Lộc), Lễ hội Chùa Tam Thanh, Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ (Lễ hội Đầu pháo - Kỳ Lừa)…
Ngoài ra, quê hương Xứ Lạng còn có những nét văn hoá ẩm thực đặc sắc mang đậm những phong vị riêng như: Phở chua, vịt quay, khau nhục, xá xíu, xôi ngũ sắc, bánh cuốn, bánh phồng, măng ớt, khẩu Shi... Cùng với các món ăn đó, các loại hoa quả tại vùng quê Xứ Lạng cũng đa dạng phong phú như: Mơ, lê Tràng Định, mận Bình Gia, quýt Bắc Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm, na Chi Lăng, đào Mẫu Sơn... Sự phong phú, đa dạng và độc đáo của các sản phẩm ẩm thực của Lạng Sơn sẽ là ấn tượng sâu sắc đối với du khách sau mỗi lần đến thăm, tìm hiểu và thưởng thức.
Trong năm 2018, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn đạt 2,8 triệu lượt, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 103,2% kế hoạch, (trong đó: Khách quốc tế 430 nghìn lượt, khách trong nước 2,378 triệu lượt). Doanh thu khoảng 980 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 7,7%. Toàn tỉnh hiện có hơn 222 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ, trong đó có 212 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 3.000 buồng trong đó 45 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, còn lại là nhà nghỉ và khách sạn không xếp hạng sao cùng với đó là 10 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành với trên 60 hướng dẫn viên được cấp thẻ.
Trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Lạng Sơn đã tham mưu và cụ thể hóa Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn. Gần đây UBND tỉnh Lạng Sơn đang giao cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư tại Lạng Sơn được thuận lợi, nhanh chóng và ổn định lâu dài. Đặc biệt, hiện nay Lạng Sơn đang triển tích cực triển khai đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch Mẫu Sơn, Khu di tích lịch sử văn hóa Chi Lăng. Đây sẽ là những cơ hội mới để các doanh nghiệp của Lạng Sơn hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế thương mại, du lịch và dịch vụ tại cửa ngõ nơi địa đầu của đất nước.
Tỉnh đang xây dựng và triển khai Đề án phát triển du lịch của tỉnh theo hướng ưu tiên, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch gắn chặt với thương mại và liên kết nông nghiệp, tập trung phát triển sản phẩm du lịch biên giới, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và cộng đồng có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao, tạo sự khác biệt, hiện đại; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch; bảo đảm môi trường du lịch an toàn, văn minh. Trong đó, xác định mục tiêu chung, đến năm 2025, Lạng Sơn sẽ trở thành một trong những trọng điểm du lịch của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước, phấn đấu đến năm 2030, ngành du lịch Lạng Sơn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Hoài Nam
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI