CẦN THƠ

Cần Thơ: Khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển

10:00:26 | 24/9/2020

Với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ, TP.Cần Thơ đang triển khai nhiều giải pháp, hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; qua đó khơi thông các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đã chia sẻ với phóng viên Vietnam Busness Forum xung quanh chủ đề này. Ngô Khuyến thực hiện.

Ông có thể chia sẻ đôi nét về tình hình phát triển kinh tế - xã hội sau 15 năm thực hiện TP.Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước? Cần Thơ đang nỗ lực ra sao nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển những năm tới?

Sau 15 năm (2004-2019) thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX, Cần Thơ đã khai thác và phát huy tốt hơn các tiềm năng, lợi thế; các chỉ số kinh tế tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, GRDP tăng bình quân 7,27%/năm, cao hơn trung bình cả nước. Năm 2019 quy mô nền kinh tế gấp 5 lần; GRDP/người đạt 88,3 triệu đồng, gấp 7,1 lần; huy động các nguồn vốn đầu tư hơn 52.000 tỷ đồng, gấp 7,07 lần so với năm 2005. TP đã đảm bảo cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ với công nghiệp là chủ đạo, từng bước thể hiện vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng ĐBSCL về công nghiệp và dịch vụ. TP cũng đã hoàn thành Chương trình xây dựng xã nông thôn mới, tiếp tục triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng và lợi thế. Vai trò trung tâm động lực vùng của Cần Thơ lan tỏa chưa sâu và rộng. Cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm và chưa trở thành TP công nghiệp trước năm 2020. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế đang là điểm nghẽn lớn. Để Cần Thơ phát triển và trở thành trung tâm và động lực cho vùng ĐBSCL, TP đã kiến nghị Trung ương một số giải pháp, đó là: Ban hành Nghị định mới quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Cần Thơ sau khi Bộ Chính trị tổ chức tổng kết Nghị quyết số 45-NQ/TW và ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng ĐBSCL; Trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kiến nghị Trung ương hỗ trợ TP thực hiện đầu tư một số dự án trọng điểm và Trung ương đầu tư một số công trình tại TP Cần Thơ nhưng phục vụ chung cho cả Vùng ĐBSCL; Cho TP.Cần Thơ được điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển, tạo động lực mới đảm bảo cho Cần Thơ bứt phá, phát triển nhanh, bền vững; Chấp thuận chủ trương thực hiện Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II trên địa bàn quận Ô Môn.

Do tác động của đại dịch Covid-19 nên trong 6 tháng đầu năm 2020, Cần Thơ có nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng thấp như: GRDP tăng 1,43%, có 730 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 4.800 tỷ đồng, giảm 1,22% về số lượng và 30,5% về vốn... Trong những tháng cuối năm 2020, TP sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nào nhằm thực hiện thành công mục tiêu kế hoạch đề ra, thưa ông?

Do tác động của dịch bệnh Covid-19 và tình hình khô hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã hạn chế nhiều đến nỗ lực thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 của TP. Sáu tháng đầu năm 2020, Cần Thơ không bị tăng trưởng âm; tuy nhiên chỉ số GRDP đạt thấp, chỉ tăng 1,43%/KH 7,82%. Sau giãn cách xã hội, các ngành kinh tế đã từng bước đi vào hoạt động trở lại và có dấu hiệu hồi phục tùy mức độ. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương thông qua các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cùng sự chỉ đạo tích cực của các cấp chính quyền, tình hình phát triển doanh nghiệp đã cải thiện. So với tháng 4 và 5, trong tháng 6/2020, các chỉ tiêu đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và vốn đăng ký đều có cải thiện đáng kể, số doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 6 tăng 94% so với tháng 4 và tăng 44% so với tháng 5. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh cũng đã giảm, ở mức giảm là 49% và 23%  tương ứng ở các tháng 4, 5.

Để phấn đấu thực hiện kế hoạch thì trong 06 tháng cuối năm 2020 TP tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau:

- Kiểm soát tốt dịch bệnh, kiểm tra chặt chẽ các trường hợp cách ly, không để lây lan trong cộng đồng. Thông tin kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng sự thật, gây dư luận xã hội.

- Quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết số: 01,02, 84/NQ-CP của Chính phủ, và các Nghị quyết của Thành ủy, HĐND TP đã ban hành cũng như Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ Tướng Chính phủ; Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề:” Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế.”.

- Kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan xúc tiến giao thiệp, giải quyết vướng mắc trong thông quan hàng hóa để xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất thuận tiện.

- Triển khai các giải pháp thúc đẩy kích cầu xã hội.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ, đảm bảo đúng đối tượng, chế độ thụ hưởng; rà soát, cắt giảm chi thường xuyên, tạo thêm kinh phí phục vụ chính sách an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng của TP.

- Tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế.

- Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

- Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; tháo gở khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, các giải pháp phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

- Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chỉ số PCI của Cần Thơ năm 2019 đạt 68,38 điểm tăng 3,40 điểm (cao nhất từ trước đến nay) và giữ nguyên vị trí trên bảng xếp hạng minh chứng cho những nỗ lực thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh những năm gần đây. Vậy quyết tâm, nỗ lực của TP.Cần Thơ như thế nào để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thưa ông?

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp là một trong những vấn đề trọng tâm luôn được lãnh đạo TP quan tâm. Ngay từ đầu năm, TP đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 11/02/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; gắn với thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) TP Cần Thơ năm 2020 và định hướng đến năm 2021. Trong đó, phân công các Sở, ngành, cơ quan có liên quan và UBND quận, huyện triển khai thực hiện với 23 nhiệm vụ chủ yếu và 33 công việc cụ thể; trong đó xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, nhiệm vụ và theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện; yêu cầu các sở ngành, UBND quận, huyện xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai.

Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, UBND TP đã tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe những khó khăn, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; UBND TP chỉ đạo và yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành TP; Chủ tịch UBND quận, huyện khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị, đề nghị của doanh nghiệp theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, triệt để.

  Trong thời gian cuối năm 2020, TP sẽ tập trung chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện thực hiện Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 11/2/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện, đồng bộ các giải pháp để tiếp tục duy trì và nâng cao điểm số PCI, cũng như cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của TP; dự kiến Ủy ban nhân dân TP Cần Thơ sẽ tổ chức chương trình tọa đàm “Đối thoại giữa Chính quyền và Doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ” vào ngày 20/8/2020 nhằm thông tin tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, lắng nghe những đề xuất, ý kiến, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ, tiêu thụ hàng hóa và tập trung rà soát, nâng cao chất lượng giải quyết và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục cấp các loại giấy phép đủ điều kiện cho tổ chức, cá nhân nhằm giảm thời gian doanh nghiệp cần có đủ các loại giấy phép để chính thức bắt đầu hoạt động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum