Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã có nhiều bứt phá ngoạn mục và ấn tượng trong thu hút đầu tư. Chia sẻ với phóng viên Vietnam Business Forum, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Kon Tum cam kết sát cánh, đồng hành, chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN); tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất để các DN an tâm sản xuất, đóng góp nhiều hơn cho sự thịnh vượng của tỉnh.
![]() |
Thực hiện phương châm “Sáng tạo, tăng tốc để bứt phá” trong năm 2020, tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực đổi mới chỉ đạo, điều hành và đạt được kết quả đáng khích lệ, nhiều chỉ tiêu đạt mức cao “nhất từ trước đến nay”. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Năm 2020, các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị địa phương; sự đồng lòng, nỗ lực không ngừng của DN, của quân và dân tỉnh Kon Tum đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, đó là: Vừa kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 vừa tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã đạt được những thành quả quan trọng, nổi bật như: 11/13 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội - môi trường ước thực hiện đến cuối năm đạt và vượt; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 9,39%; thu nhập bình quân đầu người ước thực hiện đạt 46,58 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 3.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD; các sản phẩm chủ lực, cây dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục có bước phát triển và ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Môi trường đầu tư được cải thiện. Tỉnh đạt được những kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư: đã chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư cho 192 dự án, trong đó 184 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 20.610,7 tỷ đồng. Điều đáng nói là tỉnh đã kêu gọi được một số nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm đến đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn FLC, Vingroup, TH...
Chính sách xã hội được triển khai rộng khắp, kịp thời; công tác xây dựng chính quyền điện tử được thực hiện quyết liệt và đạt nhiều kết quả quan trọng, làm tiền đề xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số. Cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ, kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại địa phương ngày càng được mở rộng.
Ông có thể cho biết những mục tiêu chính yếu, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021?
Tỉnh Kon Tum xác định kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 sẽ là tiền đề có ý nghĩa rất quan trọng và là động lực để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong năm 2021, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, chúng ta còn phải thực hiện nghiêm túc, triệt để các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương về đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao và bền vững. Tập trung triển khai các kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện các chương trình, đề án, dự án để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển dược liệu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án quan trọng; đầu tư hạ tầng đô thị, phát triển các loại hình du lịch. Đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại. Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Phát huy dân chủ, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò chủ động, tích cực của các đơn vị, địa phương và người đứng đầu ngành, địa phương phải cùng quyết chí, đồng tâm hiệp lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ra sức phấn đấu để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Các chỉ tiêu cụ thể như sau:
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt trên 10%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.500 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 162 triệu USD. Tập trung trồng mới 500 ha Sâm Ngọc Linh và 2.000 ha các cây dược liệu khác. Tỷ lệ che phủ rừng (có tính cây cao su) đạt trên 63,1%; phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đón 1,5 triệu lượt khách du lịch…
Về văn hóa – xã hội: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%, trong đó đào tạo nghề đạt 38%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm ít nhất 4%. Phấn đấu nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề lên 30%. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 39,6 giường. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5%; tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91%. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đạt 55%; tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa đạt 84%...
Để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, những năm gần đây, tỉnh Kon Tum đã thực hiện những giải pháp, hoạt động nào?
Những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được thể hiện cụ thể tại các đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Kon Tum, các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai các Nghị quyết số: 02/NQ-CP, 35/NQ-CP, 98/NQ-CP,... và các văn bản liên quan khác của các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố.
Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa bằng các hoạt động cụ thể như: Tập trung cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến người dân, DN, nhà đầu tư; cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nhà đầu tư, DN; thực hiện tái cơ cấu kinh tế, quản lý quy hoạch, tạo dựng môi trường hành lang pháp lý chung. Định kỳ chính quyền các cấp tổ chức gặp mặt, đối thoại với DN, nhà đầu tư để giải quyết vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư, DN. Tỉnh đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã đã triển khai phần mềm một cửa điện tử, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân.
Hai năm liên tiếp 2018, 2019, Chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum liên tục tăng hạng, trong đó có các chỉ số thành phần đứng vị trí cao. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này và đâu là những giải pháp của địa phương trong việc cải thiện chỉ số PCI?
Theo số liệu và kết quả điều tra của VCCI đã công bố, chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2019 đứng thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước (với 63,54 điểm), nằm trong nhóm xếp hạng Trung bình, tăng 3 bậc so với năm 2018. So với 5 tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum đứng thứ 4, trên tỉnh Đăk Nông (với 60,50 điểm, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành). So sánh với điểm trung vị, năm 2019 tỉnh Kon Tum có 3 chỉ số thành phần có điểm số tốt hơn là Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Cạnh tranh bình đẳng. Về tổng thể, môi trường đầu tư kinh doanh đã có những chuyển biến rõ nét, điểm số nhiều chỉ số thành phần có sự tăng trưởng, tiến bộ.
Tuy nhiên, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Đến năm 2019, vị thứ xếp hạng PCI của tỉnh Kon Tum vẫn còn thuộc nhóm trung bình trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố cả nước. Tiến độ, tốc độ cải thiện các chỉ số thành phần thuộc Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ, chưa theo kịp tốc độ so với các tỉnh, thành khác trong cả nước và chưa tương xứng với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Kon Tum. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung những nhiệm vụ sau để cải thiện Chỉ số PCI:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về ý nghĩa, nội dung nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Hai là, phổ biến rộng rãi địa chỉ tiếp nhận (đường dây nóng, địa chỉ tiếp nhận) các ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với những hành vi nhũng nhiễu; xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra đối với DN hằng năm, hạn chế việc DN phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm chi phí thời gian cho DN; hạn chế tối đa việc phát sinh chi phí không chính thức cho DN.
Ba là, tiếp tục chỉ đạo rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, giới thiệu địa điểm; các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, môi trường...; tăng cường công tác thu hút các DN trong và ngoài nước đến hợp tác trên các lĩnh vực, khu vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Bốn là, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và chính sách hỗ trợ khác cho DN.
Năm là, thực hiện tốt công tác rà soát, công khai quỹ đất sạch, chuẩn bị danh mục dự án kêu gọi đầu tư, làm cơ sở để cung cấp thông tin, xúc tiến kêu gọi đầu tư; tạo quỹ đất sạch trong khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để giới thiệu cho các DN, nhà đầu tư và nâng cao tỷ lệ lấp đầy; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Sáu là, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ DN, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bảy là, duy trì hiệu lực, hiệu quả của hành lang pháp lý cũng như đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch và đem lại niềm tin cho DN trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại; tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh đảm bảo an ninh, trật tự.
Tám là, chú trọng đẩy mạnh công tác thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng DN trong xây dựng, ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện.
Chín là, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư khi đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Mười là, vận hành hiệu quả hoạt động Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; nâng cao số lượng xử lý hồ sơ trực tuyến cho các đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Mười một là, thành lập Tổ công tác và Tổ giúp việc thực hiện Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (tổ trưởng là lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện/thành phố) chịu trách nhiệm tham mưu, giúp UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Nhân dịp năm mới - Xuân Tân Sửu, ông có chia sẻ hoặc cam kết gì đối với các nhà đầu tư, DN đã, đang và sẽ đầu tư, sản xuất kinh doanh tại tỉnh nhà?
Nhân dịp năm mới, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Chúc cộng đồng DN tỉnh gặt hái được nhiều thành công trên mọi lĩnh vực kinh doanh, đóng góp nhiều hơn cho sự thịnh vượng của tỉnh Kon Tum.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Kon Tum, tôi cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành, chia sẻ cùng cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ và tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN ngày càng phát triển, tạo cơ hội làm giàu chính đáng; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, qua đó tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất để các DN an tâm sản xuất, kinh doanh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Là tỉnh nằm trong khu vực Tây Nguyên, Kon Tum giữ vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế quan trọng khi có đường biên giới với 2 quốc gia trong khu vực là Lào và Campuchia, nằm trên vùng tam giác Đông Dương. |
Nguồn: Vietnam Business Forum