HƯNG YÊN

Thu hút đầu tư vào Hưng Yên: Tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng và chất

10:53:45 | 3/3/2021

Trong nhiệm kỳ 2015 -2020 và đặc biệt trong năm 2020, tuy có nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thu hút đầu tư vào Hưng Yên vẫn tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng và chất với nhiều dự án có quy mô tầm cỡ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên. Hoài Nam thực hiện.

Ông có thể cho biết nhiệm kỳ vừa qua Hưng Yên đã có những nỗ lực như thế nào trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển?

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hưng Yên đã tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng đạt kết quả tích cực, tạo đột phá trong hạ tầng giao thông, xây dựng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển giao thông vận tải và chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020. Hoàn thành đầu tư hơn 1.000 km đường giao thông ở các cấp đường, góp phần tạo mạng lưới giao thông Hưng Yên thông suốt, kết nối thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành trong khu vực. Các tuyến đường huyết mạch hoàn thành tạo sức hấp dẫn lớn các nhà đầu tư, như: cầu Hưng Hà và đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1); cầu La Tiến và đường ĐT.386; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 38, đường đê tả sông Luộc... Nhiều công trình thiết yếu cấp huyện và cơ sở hạ tầng được đầu tư góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã và cấp huyện. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, 100% xã, phường, thị trấn được cung cấp dịch vụ internet, mạng cáp quang và phủ sóng di động 4G.

Với sự chú trọng đầu tư và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, kỹ thuật và đô thị nên giai đoạn 2016 -2020, tỉnh Hưng Yên đã thu hút 850 dự án đầu tư, tăng 40% so với giai đoạn 2011-2015, nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 2.000 dự án (trong đó: 1.513 dự án trong nước, vốn đăng ký trên 186,7 nghìn tỷ đồng; 487 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 5,18 tỷ USD với tổng số vốn đăng ký tương đương trên 13,3 tỷ USD). Trong đó thu hút một số dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, có khả năng tham gia sâu chuỗi liên kết khu vực và toàn cầu. Cơ cấu thu hút đầu tư có sự chuyển dịch tích cực, tập trung nhiều hơn vào dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển CCN, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN; giai đoạn 2016-2020 đã thành lập 13 CCN, nâng tổng số lên 24 CCN; thu hút 535 dự án đầu tư và trên 600 cơ sở sản xuất kinh doanh tại các CCN.

Vậy tỉnh Hưng Yên đã đưa ra quyết sách gì trong thu hút đầu tư cũng như tập trung thu hút vào các lĩnh vực, địa bàn nào, thưa ông?

Điều mà tỉnh Hưng Yên đang triển khai thực hiện đó là công tác thu hút, tiếp nhận có chọn lọc các dự án đầu tư đủ tiềm lực, hướng mạnh vào các KCN, CCN đã được quy hoạch; cơ bản dừng tiếp nhận dự án sản xuất rời lẻ ở ngoài KCN, CCN.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung hoàn thành thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư đối với KCN số 1, KCN số 2, KCN số 3 thuộc KCN đô thị - dịch vụ Lý Thường Kiệt rộng khoảng 3.000 ha (KCN đô thị - dịch vụ Lý Thường Kiệt có 8 KCN, cảng thông quan nội địa, dịch vụ logistic và khu đô thị sinh thái, nhà ở cho công nhân). Hoàn thành thủ tục mở rộng KCN Thăng Long II mở rộng giai đoạn 3 với quy mô diện tích 180,5 ha, nâng tổng quy mô diện tích toàn khu lên 525,7 ha; KCN Yên Mỹ II mở rộng với diện tích 216 ha, nâng tổng quy mô diện tích toàn khu lên 313,5 ha và các CCN để tiếp nhận các dự án đầu tư trong và ngoài nước; nhất là các dự án của doanh nghiệp Nhật Bản, dự án sử dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, dự án tạo nhiều việc làm có thu nhập cao, đóng góp lớn cho ngân sách… Đồng thời, hoàn thành các thủ tục cần thiết để thi công giai đoạn II đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và hạng mục cầu vượt nút giao Quốc lộ 39; đẩy nhanh tiến độ thi công đường vành đai 3,5 và vành đai 4. Đẩy nhanh tiến độ thành lập, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động các khu, CCN. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tích cực thu hút doanh nghiệp vào các KCN, CCN. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị đầu tư; thực hiện các dự án đầu tư, nhất là tiến độ đầu tư và giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ định hướng chuyển đổi nguồn cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử…

Năm 2019, chỉ số PCI của tỉnh Hưng Yên đã có những tiến bộ so năm trước: tổng điểm số đạt 63,6 điểm, tăng 2,94 điểm, xếp hạng 55 so cả nước và tăng 3 bậc so năm 2018. Để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI trong những năm tới, tỉnh Hưng Yên đã có những giải pháp nào?

Qua nghiên cứu, phân tích các chỉ số thành phần PCI năm 2019 của tỉnh Hưng Yên mà VCCI công bố, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách, đồng hành cùng doanh nghiệp tích cực tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận nguồn lực phát triển, nhất là đất đai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng là giải pháp chủ yếu trọng tâm cải thiện Chỉ số PCI. Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện các dự án đã có chủ trương đầu tư; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện cam kết đầu tư, bảo đảm đúng quy định, nhất là pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, chậm tiến độ, sử dụng đất không hiệu quả, không tuân thủ quy định của pháp luật và cam kết đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước; phấn đấu thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp/năm. Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp và kinh tế hợp tác; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác... để cung cấp dịch vụ ở nông thôn. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; chủ động phòng ngừa, phối hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả các tranh chấp đầu tư, nhất là tranh chấp quốc tế.

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Chính phủ về cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn từ bên trong, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện hiệu quả Đề án cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020. Thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công và kiểm soát thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chỉ số cải cách hành chính. Từng bước siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, để cải thiện chỉ số PCI, tỉnh Hưng Yên còn chú trọng xây dựng chính quyền năng động, phát huy hiệu quả trong quản lý, điều hành nhằm tiếp tục đem lại sự hài lòng cho nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, để Hưng Yên luôn là địa chỉ đáng tin cậy và điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum