Kế thừa, phát huy truyền thống vùng đất Hưng Yên văn hiến, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng, tích cực đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn, đặc biệt là tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển trong nhiệm kỳ 2015-2020. Những thành quả đó sẽ là tiền đề vững chắc để xây dựng Hưng Yên văn minh, hiện đại, giàu bản sắc trong tương lai.
Chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện
Tự hào với những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020, ông Trần Quốc Văn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, cho dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực phấn đấu, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH). Đặc biệt đến năm 2017, Hưng Yên đã đứng trong nhóm 16 tỉnh, thành cả nước tự cân đối thu chi ngân sách. Theo đó, kinh tế Hưng Yên đã duy trì phát triển nhanh với chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện. Quy mô và tiềm lực nền kinh tế không ngừng tăng lên, năm 2020 GRDP theo giá hiện hành ước đạt 100.058 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa, gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng. Cơ cấu kinh tế năm 2020: công nghiệp - xây dựng chiếm 61,6%; dịch vụ - thương mại 29,11%; nông, lâm nghiệp - thủy sản 9,29%. Toàn tỉnh đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH, 1/16 chỉ tiêu cơ bản hoàn thành.
Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tiếp và làm việc với ông Vladimir Goshin, Đại sứ Belarus tại Việt Nam
Công tác thu hút, tiếp nhận có chọn lựa các dự án đầu tư đã hướng mạnh vào sản xuất tập trung tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Giai đoạn 2016-2020, tỉnh thu hút 850 dự án đầu tư, tăng 40% so với giai đoạn 2011-2015 (trong đó 663 dự án trong nước với vốn đăng ký trên 99,2 nghìn tỷ đồng, tăng 122,7% so với giai đoạn 2011-2015; 187 dự án FDI, vốn đăng ký trên 2,3 tỷ USD, tăng 39,1% so với giai đoạn 2011-2015), nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 2.000 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương trên 13,3 tỷ USD (mục tiêu đạt 10 tỷ USD). Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 15 KCN được quy hoạch với quy mô 3.887,23 ha. Giai đoạn 2016-2020 đã có thêm 3 KCN đi vào hoạt động, nâng tổng số KCN đã đi vào hoạt động là 7 KCN (với quy mô diện tích 1.779 ha); tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê tại các KCN khoảng 877 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 68% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê. Đặc biệt, tại văn bản số 1837/TTg-CN ngày 25/12/2020 và văn bản số 1869/TTg-CN ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung KCN Thăng Long II mở rộng (giai đoạn 3) với quy mô diện tích 180,5 ha, KCN Yên Mỹ II mở rộng với diện tích 216 ha, KCN số 5 với diện tích 192,64 ha và KCN Thổ Hoàng với diện tích 250 ha vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020. Thành lập mới 13 CCN với tổng diện tích 660 ha và nâng tổng số lên 24 CCN với tổng diện tích trên 1.300 ha; thu hút 535 dự án đầu tư và trên 600 cơ sở sản xuất kinh doanh tại các CCN.
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng (mục tiêu 150 nghìn tỷ đồng), gấp gần 2 lần giai đoạn 2011 - 2015. Kết quả đầu tư hoàn thành hơn 1.000 km đường giao thông, cải tạo, xây dựng 27 trạm bơm, nâng cấp, sửa chữa trên 400 km kênh mương; hạ tầng lưới điện được quan tâm đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp và đời sống nhân dân. Hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh. Hạ tầng đô thị phát triển về chiều sâu, cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hạ tầng dịch vụ của các đô thị, thị trấn trung tâm. Tỉnh thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 và đạt nhiều kết quả nổi bật, vượt trước kế hoạch đề ra. Năm 2019, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM; đến năm 2020 có 10/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, 28 xã hoàn thành tiêu chí xã NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người, tăng 21 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 1,48%... Đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn khởi sắc, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được khơi dậy và phát huy.
Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức được quan tâm và có nhiều kết quả. Đảng bộ thống nhất cao về nhận thức và hành động, là hạt nhân đoàn kết và là cơ sở cho sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Công tác cán bộ được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy trình, có bước đột phá.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn, Hưng Yên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn; việc xử lý các vi phạm về đất đai, tài nguyên, giao thông, thủy lợi ở một số nơi kết quả chưa cao… Tuy là vậy, song ngay trong năm 2020, cho dù có ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng Hưng Yên vẫn nỗ lực vươn lên trở thành tỉnh thứ 3 của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ). Đồng thời, tất cả các chỉ tiêu phát triển KT- XH của tỉnh đều đạt so với kế hoạch đề ra.
Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao
Từ những thành quả đã đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra trong giai đoạn vừa qua đồng thời trên cơ sở nhận định, đánh giá tình hình, điều kiện và nguồn lực thực tế của địa phương hướng đến năm 2025, tỉnh Hưng Yên xác định mục tiêu then chốt là: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”. Để mục tiêu trở thành hiện thực, tỉnh Hưng Yên đã đề ra nhóm chỉ tiêu về kinh tế với 3 trụ cột chính là “kinh tế, xã hội và môi trường”. Cùng với đó, tỉnh Hưng Yên chú trọng thực hiện định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn chiến lược đến năm 2045 như sau:
Một là, phát triển tỉnh Hưng Yên phù hợp với Chiến lược phát triển của cả nước và của vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, đồng bộ quy hoạch phát triển vùng và quốc gia. Duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao hơn bình quân chung cả nước và khu vực, cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trên cơ sở tập trung thu hút đầu tư, nhất là tập đoàn đa quốc gia, các dự án công nghệ cao, tạo động lực phát triển; quan tâm đầu tư phát triển các KCN hiện đại, khu đô thị lớn, nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, giá trị gia tăng cao, an toàn và bền vững.
Hai là, đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá của Trung ương và của tỉnh; chú trọng đột phá về cơ sở hạ tầng, trọng tâm là giao thông, đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, khơi dậy khát vọng và khai thác tiềm năng, tạo động lực mới cho phát triển.
Ba là, tiếp tục phát huy nội lực và lợi thế, tận dụng cơ hội, tăng cường thu hút mọi nguồn lực, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; chú trọng xây dựng đô thị thông minh, NTM kiểu mẫu, dần từng bước chủ động trong quá trình đô thị hóa ở nông thôn.
Bốn là, giữ vững định hướng phát triển trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch; hướng tới đô thị thông minh; thương mại điện tử phát triển; tăng nhanh tỷ trọng kinh tế số trong GRDP; kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ với tầm nhìn dài hạn; nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao; ô nhiễm môi trường KCN, CCN, làng nghề, trong nông thôn và lưu vực sông được kiểm soát. Bảo đảm nguồn lực phù hợp cho phòng, chống dịch bệnh. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Giữ vững quốc phòng, an ninh; tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại và ngoại giao nhân dân với các nước, các đối tác quốc tế.
Đến năm 2030, xây dựng Hưng Yên giàu, đẹp, văn minh, có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; GRDP bình quân đầu người trong nhóm dẫn đầu cả nước, đạt trên 8.500 USD/người, thu nhập của người dân khu vực nông thôn cao gấp hơn 2 lần so với năm 2020; nền kinh tế số chiếm trên 30% GRDP; có các khu đô thị lớn, NTM kiểu mẫu; nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững; cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước năm 2037 và 40 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; năm 2045, Hưng Yên là thành phố thông minh; phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Nguồn: Vietnam Business Forum