HÀ GIANG

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

11:42:19 | 21/7/2021

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm, trình độ chuyên môn cho lao động tại địa phương, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã quan tâm triển khai thực hiện. Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang về nội dung này. Duy Khang thực hiện.

Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Giang thời gian qua có những chuyển biến như thế nào, thưa ông?

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là một trong những chương trình, nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành quán triệt các văn bản, xây dựng các đề án, kế hoạch triển khai thực hiện.


Ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang tại buổi đối thoại trực tiếp với toàn thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở

Cụ thể, thực hiện liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp như: Hướng dẫn Trường cao đẳng phối hợp với Công ty Cổ phần hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Nhật - Việt chuẩn bị cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình đào tạo nghề theo thoả thuận; Trường Than khoáng sản Việt Nam trung bình mỗi năm tuyển sinh và tạo việc làm khoảng 400 lao động với mức lương 15.000.000 đồng/tháng. Ngoài ra, các trường phối hợp với các doanh nghiệp đưa học sinh đi thực tập ngoài tỉnh. Tỉnh đã cho phép các trường đại học, cao đẳng vào đào tạo hệ trung cấp, liên thông và các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đào tạo nghề dưới 3 tháng gắn với sử dụng lao động.

Giai đoạn 2016-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong và ngoài tỉnh đã tuyển sinh được 58.550 người, trong đó cao đẳng 1.124 người, trung cấp 4.253 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 53.173 người. Trên 70% lao động sau tốt nghiệp có việc làm; với một số nghề như dệt thổ cẩm, đan lát thủ công, chế biến chè, sản xuất và kinh doanh rượu, xây dựng, hướng dẫn du lịch, chế biến món ăn... tỷ lệ này đạt trên 80%; đối với lĩnh vực nông nghiệp, trên 85% lao động sau khi học xong có nghề mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đã biết áp dụng kiến thức, ứng dụng kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, đưa năng suất, chất lượng, thu nhập tăng lên. Hiệu quả đào tạo nghề đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo đồng thời nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh từ 46% năm 2015 lên 54% năm 2020.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 92.895 lao động, đạt 113,2% mục tiêu chương trình (tăng 17,5% so với giai đoạn 2011-2015), trong đó 42.161 người đi làm việc ngoại tỉnh và xuất khẩu lao động đạt 187,3% mục tiêu chương trình và chiếm 45,38% tổng số lao động được giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020. Hoạt động dịch vụ việc làm có nhiều đổi mới tạo sự gắn kết về cung, cầu lao động với trên 57% số lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm được tư vấn giới thiệu việc làm và trên 76,7% trong số đó có kết nối việc làm thành công; thị trường lao động được mở rộng. Cơ cấu lao động, cơ cấu việc làm chuyển dịch theo hướng tích cực (tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp giảm, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng); tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm.

Để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động hiện nay, mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Hà Giang được đầu tư, phát triển ra sao?

Thực hiện Luật GDNN và các quy định của Trung ương, UBND tỉnh đã chủ động rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, tập trung cho các nghề trọng điểm, lựa chọn nghề đào tạo theo xu thế phát triển của thị trường nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 18 cơ sở GDNN, trong đó có 01 trường cao đẳng nghề; 01 trường trung cấp nghề; 13 trung tâm dạy nghề (01 trung tâm tư thục) và 03 cơ sở khác có dạy nghề. Thực hiện các văn bản của Trung ương, tỉnh Hà Giang đã rà soát, ban hành 08 đề án sáp nhập các trung tâm dạy nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) thành Trung tâm GDNN - GDTX; sáp nhập 03 trung tâm dạy nghề (thành phố Hà Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân) vào Trường cao đẳng nghề;... Đến nay, toàn tỉnh có 13 cơ sở GDNN, trong đó có 01 trường cao đẳng; 02 trường trung cấp; 10 trung tâm GDNN-GDTX, trong đó 01 trung tâm GDNN tư thục.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh Hà Giang, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú - GDTX Bắc Quang hằng năm được đầu tư với 09 nghề trọng điểm quốc gia gồm (Vận hành nhà máy thủy điện, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ ô tô, Thú y, Gia công thiết kế sản phẩm mộc, Công nghệ sản xuất chè, Chăn nuôi thú y, Hàn, Lâm sinh) theo Dự án đổi mới thuộc chương trình mục tiêu. Tuy nhiên cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu lưu lượng đào tạo, thiết bị chưa đồng bộ và hiện đại.

Các trung tâm GDNN-GDTX sau khi được sáp nhập cơ bản đã bố trí phù hợp về cơ sở vật chất. Về trang thiết bị đào tạo, chủ yếu được đầu tư từ năm 2009-2013, hiện nay đã hỏng, hết khấu hao, xuống cấp do vận chuyển đi đào tạo lưu động. Năm 2020, 04 trung tâm được đầu tư mua sắm thiết bị đào tạo một số nghề đặc thù của địa phương.

Bên cạnh việc quy hoạch các cơ sở GDNN công lập, tỉnh cũng tạo điều kiện để các cơ sở GDNN của các tỉnh, các doanh nghiệp, HTX tham gia đào tạo nguồn nhân lực với nhiều ngành nghề đa dạng đáp ứng nhu cầu học nghề của nhân dân như nhóm nghề du lịch, dịch vụ, xây dựng, thủ công...

Để Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, Hà Giang cần phải thực hiện một số giải pháp trọng tâm nào trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực?

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong chương trình, kế hoạch của tỉnh về vị trí, tầm quan trọng của GDNN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, giúp doanh nghiệp, người lao động nắm bắt kịp thời chính sách pháp luật lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, ổn định xã hội, tạo môi trường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh để tạo ra nhiều vị trí việc làm và tham gia vào quá trình đào tạo gắn với sử dụng người lao động. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giới thiệu, kết nối lao động với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động.

Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp về công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp; tư vấn giới thiệu việc làm để kết nối cung - cầu lao động; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tập đoàn vào địa phương để tuyển dụng lao động, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư để tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Đẩy mạnh thu hút người lao động nhất là thanh niên dân tộc thiểu số tham gia học nghề đối với những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, khắc phục tình trạng thiếu thợ có tay nghề, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao ở địa phương và thị trường lao động… Khơi dậy tinh thần chủ động, mạnh dạn trong khởi nghiệp.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN công lập đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tự chủ theo lộ trình hoạt động GDNN. Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động GDNN hoặc đầu tư thành lập cơ sở GDNN.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum