Sau 30 năm tái lập (10/1991 - 10/2021), tỉnh Lào Cai đã có được những kết quả hết sức ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, xóa đói giảm nghèo, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp… Để có được kết quả này có đóng góp không nhỏ của việc tập trung đổi mới, hiện đại hóa quy trình công tác quản lý, điều hành nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn. Ông Ngô Đức Ảnh, Giám đốc Sở Tài chính Lào Cai đã chia sẻ với phóng viên về vấn đề này. Ngọc Tùng thực hiện.
Để xây dựng một Lào Cai phát triển toàn diện như ngày hôm nay, tỉnh đã có những giải pháp nào nhằm tạo nguồn thu và tăng thu ngân sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thưa ông?
Những ngày đầu tái lập, Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn. Kết cấu hạ tầng bị tàn phá do chiến tranh, chậm được khôi phục và xuống cấp nghiêm trọng. Tỷ lệ hộ đói, nghèo rất cao; trình độ dân trí thấp và các điều kiện về giáo dục, y tế còn nhiều bất cập; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội có nhiều yếu tố gây mất ổn định…
Trong khi đó, các nguồn lực để phát triển (tài nguyên, con người, lợi thế mới,… ) của tỉnh còn ở dạng tiềm năng. Từ đó, thu ngân sách địa phương hàng năm trên địa bàn chỉ đáp ứng từ 20-25% nhu cầu chi,… Vốn đầu tư từ ngân sách của tỉnh hạn hẹp, từ các doanh nghiệp và trong dân khó khăn, chủ yếu dựa vào nguồn Trung ương trợ cấp.
Để tạo nguồn thu và tăng thu ngân sách, quán triệt chủ trương, định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, ngành Tài chính đã tham mưu, thực hiện các giải pháp huy động tối đa các nguồn vốn trong toàn xã hội, các nguồn thu trên địa bàn vào ngân sách tỉnh; xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư trong nhân dân, trong nước và ngoài nước; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất…
Từ những nỗ lực đó, đến năm 2020, thu NSNN trên địa bàn đạt 9.182 tỷ đồng, gấp 1.020 lần năm 1991 (gần 9 tỷ đồng). Tốc độ tăng thu NSNN trên địa bàn giai đoạn 1991-2020 bình quân 35,4%/năm, giai đoạn 1991-2000 đạt 68%/năm, giai đoạn 2011-2020 đạt 13,2%/năm.
Công tác cải cách hành chính (CCHC) của ngành Tài chính có vai trò ra sao đối với những kết quả trên, thưa ông?
Những năm qua, công tác CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý nghiệp vụ của các đơn vị trong hệ thống ngành tài chính (Tài chính - Thuế - Hải quan - Kho bạc Nhà nước) của tỉnh Lào Cai được quan tâm, chú trọng. Qua đó, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trong công tác quản lý tài chính - ngân sách.
Theo đó, đến nay Sở Tài chính đã thực hiện việc cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) theo quyết định của UBND tỉnh; trình UBND tỉnh công bố TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý. Sở thường xuyên rà soát các TTHC cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 và cập nhật công khai trên hệ thống dịch vụ công của tỉnh, Cổng TTĐT của cơ quan, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, tìm hiểu, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC.
Công chức thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận một cửa ngày càng nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, các tổ chức, cá nhân có thể đánh giá chất lượng phục vụ của công chức Bộ phận một cửa bằng phiếu đánh giá hoặc thiết bị đo đạc sự hài lòng. Kết quả được chuyển về Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, đánh giá.
Những kết quả trong công tác CCHC của ngành Tài chính đã góp phần đưa tỉnh Lào Cai nằm trong nhóm 16 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đạt điểm trung bình cao về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) với tổng điểm là 42,96 điểm; xếp thứ 14/63 trên bảng xếp hạng chỉ số CCHC (Par index) năm 2020 với 85,55 điểm.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh đã có giải pháp nào nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành NSNN; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cũng như tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp?
Từ năm 2020 đến nay, các ngành, các cấp của tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm… Trong đó, ngoài các chính sách do Trung ương ban hành, ngành Tài chính tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành một số nghị quyết tạo điều kiện để các doanh nghiệp sớm ổn định và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế, tạo cơ sở để tăng thu cho NSNN.
Mặt khác, tăng cường quản lý thu; chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; xử lý nợ đọng thuế; thường xuyên rà soát, nắm chắc các nguồn thu, đối tượng thu nộp ngân sách trên địa bàn quản lý; triển khai quyết liệt các biện pháp chống chuyển giá, trốn thuế; kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN; đôn đốc thu với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp vào NSNN…
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, tập trung vào các doanh nghiệp, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, có độ rủi ro cao; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra hoạt động và việc chấp hành pháp luật của cơ quan thuế, hải quan.
Kho bạc Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định, nhất là các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền…; triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý quỹ NSNN trên địa bàn và các hoạt động nghiệp vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Chấp hành nghiêm túc việc quản lý tài chính theo chế độ quy định. Tổ chức tốt công tác hạch toán kế toán theo quy định hiện hành; thông tin báo cáo kịp thời, đúng thời gian quy định...
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum