Trong giai đoạn 2020-2025, Lào Cai tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về năng lực, thể lực và phẩm chất; đào tạo gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai. Duy Bình thực hiện.
Bà có thể cho biết công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua đã có những chuyển biến như thế nào?
Những năm qua, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm của tỉnh Lào Cai có những chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp (DN) và thị trường lao động. Giai đoạn 2011- 2020 đã có 145.719 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề; trong đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 79.000 người.
Các cơ sở GDNN bước đầu đã chủ động gắn kết với DN, với thị trường lao động thông qua việc ký kết hợp tác; thực hiện tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Tỷ lệ lao động học nghề có việc làm sau khi ra trường luôn đạt trên 80%, đối với nghề trọng điểm đạt trên 90%.
Cơ cấu ngành nghề đào tạo đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nổi bật đã chuyển hướng mạnh đào tạo từ cung sang cầu thị trường lao động. Do đó, chất lượng lao động ngày càng được nâng cao, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% năm 2020 (tăng 10% so với năm 2015, góp phần tăng năng suất lao động của tỉnh. Chỉ số đào tạo lao động của Lào Cai tăng từ 5,84 điểm (năm 2015) lên 6,89 điểm (năm 2020); cải thiện thứ bậc cạnh tranh của tỉnh Lào Cai và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nhanh sang khu vực năng suất lao động cao hơn. Tỷ trọng lao động nông, lâm và thuỷ sản trong tổng số lao động giảm từ 62,6% năm 2015 xuống 58,4% năm 2020. Tỷ trọng lao động ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 17,8% năm 2015 tăng lên 18,2% năm 2020; tỷ trọng lao động ngành dịch vụ tăng từ 19,5% năm 2015 lên 23,3% năm 2020.
Để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động hiện nay, mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, phát triển ra sao?
Mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm đầu tư, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề cho người lao động. Lào Cai đã thực hiện sáp nhập các trường cao đẳng, trung cấp công lập trên địa bàn tỉnh vào Trường Cao đẳng Lào Cai; hợp nhất các trung tâm GDNN và trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp huyện thành trung tâm GDNN - GDTX các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 17 cơ sở hoạt động GDNN, giảm 04 cơ sở so với năm 2010. Có 12/17 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN, với tổng quy mô được cấp phép tuyển sinh 110 mã nghề, với trên 9.000 học sinh/năm, trong đó có Trường Cao đẳng Lào Cai được đầu tư phát triển 07 nghề trọng điểm theo 03 cấp độ (Quốc tế, ASEAN, Quốc gia). Các cơ sở GDNN cơ bản đã được đầu tư xây dựng các hạng mục chính, mua sắm trang thiết bị để phục vụ công tác đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung.
Để Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, Lào Cai cần phải thực hiện các giải pháp trọng tâm nào trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực?
Để góp phần đưa Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, Lào Cai đưa ra 6 giải pháp trọng tâm trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cụ thể như sau:
(1) Xây dựng Chiến lược phát triển GDNN, lao động, việc làm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(2) Đẩy mạnh công tác dự báo cung cầu thị trường lao động, tập trung nghiên cứu nhu cầu lao động của các DN trước yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế để định hướng đào tạo đối với các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.
(3) Xây dựng hệ thống mạng lưới thông tin thị trường lao động, phát triển sàn giao dịch việc làm, kết nối thông tin thị trường lao động.
(4) Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng từ cấp THCS, để học sinh hiểu và có ý thức lựa chọn hướng đi phù hợp sau khi học xong THCS.
(5) Tăng cường liên kết các cơ sở GDNN và DN sử dụng lao động, triển khai đào tạo theo hình thức đặt hàng.
(6) Nghiên cứu tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho các DN vào tỉnh đầu tư có tư cam kết sử dụng lao động địa phương, khuyến khích DN tham gia đào tạo lao động… để nâng cao chỉ số thành phần “Đào tạo lao động”.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI