Cải cách hành chính (CCHC) được coi là nhiệm vụ trọng tâm và được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Lào Cai, nhờ đó công tác này đã thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh. Xung quanh nội dung này, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh. Ngọc Tùng thực hiện.
Năm 2020, Lào Cai xếp thứ 14 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC (Par Index) với 85,55 điểm (tăng 1 bậc so với năm 2019). Ông có thể chia sẻ về những giải pháp thực hiện công tác CCHC của tỉnh để có kết quả trên?
Năm 2020, sau khi Bộ Nội vụ công bố Chỉ số Par Index của các bộ, ngành Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố năm 2019, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 11/6/2020 về duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh Lào Cai năm 2020. Kế hoạch nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của từng nhóm chỉ số nội dung như: Công tác chỉ đạo điều hành; Xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); Cải cách tổ chức bộ máy; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC); Cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính và Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Trên cơ sở các nhóm chỉ số nội dung, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành phải chịu trách nhiệm chính và phải có giải pháp cụ thể để thực hiện đảm bảo duy trì từng tiêu chí thành phần.
Với những nỗ lực đó, năm 2020 tỉnh Lào Cai có 4/8 nội dung được tăng điểm so với năm 2019; 1/8 nội dung giữ điểm so với năm 2019; 3/8 nội dung giảm điểm (các nội dung này là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 như đóng góp của DN vào ngân sách của địa phương; tỷ lệ khách du lịch không đạt so với kế hoạch giao của HĐND tỉnh; công tác chỉ đạo điều hành về CCHC…). Điểm Chỉ số CCHC của Lào Cai đạt 85,55 điểm, tăng 2,5 điểm so với năm 2019, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2019.
Với quyết tâm chuyển mạnh sang tư duy hành chính phục vụ, công tác cải cách TTHC của các cấp, các ngành, chính quyền trên địa bàn tỉnh sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 – 2020 có những kết quả đáng chú ý nào, thưa ông?
Sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh Lào Cai đã tập trung cải cách mạnh mẽ quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp (DN), TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tháng 11/2020, tỉnh Lào Cai đã đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào giải quyết TTHC cấp tỉnh. Đây là quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh, bước đầu đã khẳng định được tính hiệu quả, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Trong quá trình hoạt động, tỉnh đã tổ chức thu thập ý kiến đánh giá, góp ý của tổ chức, cá nhân đến giao dịch và thực hiện TTHC tại Trung tâm thông qua nhiều kênh và theo dõi ý kiến góp ý của người dân, DN để từng bước nâng cao chất lượng tiếp nhận và giải quyết TTHC; phối hợp với Bưu điện tỉnh, UBND các địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân khai thác, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ công mức độ 3, 4 để góp phần đẩy mạnh CCHC, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại...
Là cơ quan tham mưu về công tác CCHC, Sở đã xây dựng Kế hoạch và mục tiêu thực hiện CCHC trong giai đoạn 2020 - 2025 của Lào Cai như thế nào?
Kế hoạch số 82/KH-UBND của UBND tỉnh Lào Cai về triển khai thực hiện Đề án “CCHC tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025 khối các cơ quan hành chính nhà nước” có đưa ra mục tiêu là: “Đẩy mạnh CCHC đồng bộ trên địa bàn tỉnh, đổi mới phương thức điều hành của chính quyền; xây dựng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả; quản lý biên chế theo vị trí việc làm. Chú trọng xây dựng chuẩn hóa đội ngũ CB-CC-VC. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ CB-CC-VC có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời đảm bảo cân đối tỷ lệ người địa phương, cán bộ nữ. Tăng cường bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý cho CB-CC-VC. Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ. Đẩy mạnh cải cách tài chính công. Hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, điều hành trong hệ thống chính trị, phục vụ người dân, DN; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các cơ quan, đơn vị bảo đảm thống nhất, kết nối liên thông và đồng bộ.
Lào Cai phấn đấu Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI