Triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Thông tin và Truyền thông Thái Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh về chủ trương, chiến lược, cơ chế, tạo môi trường pháp lý thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn, qua đó đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cơ bản được đầu tư đáp ứng nhu cầu khai thác sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và xử lý công việc của từng cơ quan. Trong đó, 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ, kết nối mạng diện rộng của tỉnh và kết nối internet tốc độ cao; tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ công chức là 100%; 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện có trang bị tường lửa lớp mạng (Firewall) để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống mạng nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Song song với việc đầu tư hạ tầng, Thái Bình triển khai hiệu quả các ứng dụng dùng chung của tỉnh như: hệ thống mạng văn phòng điện tử liên thông, hệ thống thư điện tử, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử... Điều đó đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cải tiến môi trường và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hiện đại; tăng năng suất, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, quyết tâm thực hiện hiệu quả cả 3 trụ cột của chuyển đổi số đó là: Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số góp phần tạo đà đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI