Nhằm tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Bình tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với các trung tâm kinh tế vùng Duyên hải Bắc Bộ, góp phần thu hút các nhà đầu tư.
Với phương châm giao thông “Đi trước, mở đường”, ngành Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình bám sát các chủ trương chỉ đạo định hướng của tỉnh, tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống giao thông phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải, nâng cao chất lượng công trình phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải triển khai xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống quốc lộ trên địa phận tỉnh như: Tuyến tránh quốc lộ 10 qua thị trấn Đông Hưng; nâng cấp 37km quốc lộ 39 từ Triều Dương đến Minh Tân, Đông Hưng và từ Vô Hối đến Diêm Điền; quốc lộ 37 và cầu vượt sông Hóa. Hoàn thành một số dự án giao thông quan trọng như: Đường nối Thái Bình - Hà Nam (giai đoạn 1), Cầu vượt sông Hồng (cầu Thái Hà), cầu La Tiến nối quốc lộ 38B tỉnh Hưng Yên, đường 39B từ thị trấn Thanh Nê đến thị trấn Diêm Điền, đường ĐT 396 (đường 217) giai đoạn 1... Cùng với đó, nhiều đường huyện, đường giao thông nông thôn được nâng cấp, cải tạo hình thành mạng lưới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo, nâng cao vị thế của tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá phát triển của tỉnh nhằm hướng đến mục tiêu phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng Duyên hải Bắc Bộ; tập trung hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường huyết mạch trong tỉnh.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội, ngành Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai các quy hoạch quốc gia về lĩnh vực giao thông vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, hàng không và đường sắt); xây dựng và triển khai quy hoạch tỉnh; quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình... Quản lý tốt quy hoạch và triển khai thực hiện các đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đầu tư, nâng cấp và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như: Tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn; QL 37 và cầu sông Hóa; đường Thái Bình - Hà Nam (giai đoạn 2); đường từ thành phố Thái Bình đi Cồn Vành (đường Thái Bình - Nam Định); đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình...
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tìm kiếm các nhà đầu tư để thực hiện một số dự án: Nâng cấp, cải tạo luồng hàng hải Diêm Điền, đầu tư xây dựng Khu cảng biển Ba Lạt, các cảng hàng hóa tổng hợp và chuyên dụng trên các sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc và sông Hóa. Phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án, công trình giao thông trên địa bàn đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng để công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả vốn đầu tư.
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI