THÁI BÌNH

Đầu tư chăn nuôi công nghệ cao để tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp

08:18:06 | 24/11/2021

Doanh nhân - CCB Nguyễn Quang Tiệp

Để nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, doanh nhân - cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Quang Tiệp quyết định đầu tư trang trại chăn nuôi công nghệ cao theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nhập ngũ năm 1972, ông Tiệp đã tham gia chiến dịch Thành cổ Quảng Trị rồi tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông được cử đi học sĩ quan hậu cần, sau đó công tác tại Cục hậu cần Quân đoàn I đến khi về hưu năm 2003 mang quân hàm Đại tá. Trở về cuộc sống đời thường, ông luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, bắt đầu bằng việc mở trang trại, nuôi trồng… tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Năm 2012, ông đưa gia đình về Quỳnh Phụ và thành lập Công ty TNHH Xây dựng & Kinh doanh Tuấn Anh với nhiều lĩnh vực: kinh doanh vật liệu xây dựng, giao thông vận tải, thủy lợi, san lấp mặt bằng… Đến nay Công ty Tuấn Anh đã lớn mạnh cả về tổ chức và quy mô sản xuất kinh doanh với mặt bằng hơn 2ha gồm nhà xưởng, bãi tập kết vật liệu xây dựng, cầu cảng…; bên cạnh đó còn đầu tư lắp đặt 1 trạm trộn bê tông nhựa nóng Asphalt cùng nhiều thiết bị máy móc hiện đại. Công ty Tuấn Anh đã tham gia thi công nhiều công trình hạ tầng tại địa phương như: thủy lợi, đường sá, trường học, nhà văn hóa… góp phần xây dựng diện mạo nông thôn mới. Với doanh thu hàng năm hơn 100 tỷ đồng, Công ty giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ông Tiệp còn tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện như ủng hộ hàng tỷ đồng làm đường thôn An Hiệp, xây trường Mầm Non xã Quỳnh Giao, xây nhà tình nghĩa, tặng quà các gia đình chính sách… 

Tuy nhiên, vốn sinh ra từ vùng quê nông nghiệp nên ông trăn trở trước tình trạng đất chua phèn, trồng cây lúa cho năng suất kinh tế rất thấp, bà con để ruộng hoang hóa nhiều. Ông đau đáu với bài toán làm thế nào để tạo ra sự thay đổi trên những cánh đồng quê, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thời cơ đã đến khi UBND tỉnh Thái Bình có những chủ trương chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Năm 2019, được bạn bè, hàng xóm chuyển nhượng lại đất đai, ông bắt đầu lên ý tưởng tích tụ ruộng đất làm trang trại chăn nuôi hoặc khu du lịch sinh thái. Tìm tòi thực hiện triển khai dự án, ông Tiệp đã lên tận Hòa Bình nhiều lần để thăm quan mô hình kinh tế tuần hoàn nông nghiệp của Công ty T&T 159 và lựa chọn mô hình chăn nuôi này. Đây là một mô hình chăn nuôi công nghệ cao T&T 159 đã áp dụng thành công khi đảm bảo các yếu tố môi trường, bền vững lâu dài khi tận dụng các nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp, sản xuất chăn nuôi phù hợp tập quán của bà con nông dân, mang lại sinh kế lâu dài cho người nông dân. Mô hình phù hợp với vùng quê Thái Bình vì có nguồn nhiên liệu phế phẩm nông nghiệp dồi dào, đồng thời phát huy kinh tế trồng trọt kết hợp chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. 

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. 

Ông Tiệp cho biết: Dự án “Đầu tư trang trại chăn nuôi bò” hiện đã hoàn thành đánh giá tác động môi trường được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, đang trình Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép hoàn thành thủ tục. Giai đoạn đầu quy mô nuôi khoảng 150 con bò trên trang trại rộng 8ha, theo dự kiến tổng mức đầu tư khi hoàn thành khoảng 25 đến 30 tỷ đồng. Nếu dự án được cấp phép thuận lợi thì sang đầu năm 2022 triển khai ngay, khi vào vận hành sản xuất chăn nuôi phối hợp liên danh với Công ty T&T 159 để tiếp thu chuyển giao công nghệ kỹ thuật. Ông Tiệp mong muốn chính quyền các cấp địa phương tạo điều kiện để dự án nhanh chóng đi vào hoạt động, không bị lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp vào dự án đồng thời tỉnh sớm có quy hoạch vùng chăn nuôi để doanh nghiệp nắm bắt thực hiện đầu tư không bị chờ đợi kéo dài.

Nguồn: Vietnam Business Forum