Là tỉnh có nguồn nhân lực lớn với hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động, Thái Bình đã triển khai nhiều đề án, chương trình đào tạo nghề mang lại hiệu quả cho địa phương.
Những năm qua, ngành Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình đã thực hiện các dự án: “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm - Dạy nghề giai đoạn 2011-2015; “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” thuộc chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016- 2020. Với số lượng kinh phí được đầu tư, các trường cao đẳng, trung cấp đã mua sắm các thiết bị đào tạo cho các nghề được đầu tư của đơn vị, bao gồm: Điện công nghiệp, May thời trang, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ truyền thống, các thiết bị đào tạo nghề Y. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đã giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng được quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động. Người lao động có điều kiện để nâng cao kỹ năng thực hành nghề; chất lượng lao động đã dần đáp ứng được yêu cầu sản xuất thực tiễn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chính sách về đào tạo nghề được đổi mới, đặc biệt ưu tiên đối với nhóm lao động thuộc hộ nghèo, hộ gia đình người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất canh tác, phụ nữ bị mất việc làm, người khuyết tật… Lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo, được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm. Qua đó đã khuyến khích được nhiều lao động nông thôn tham gia học nghề để tìm việc làm, tự tạo việc làm, ổn định đời sống và an sinh xã hội, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh hàng năm. Tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề là trên 74 nghìn người. Số lao động học nghề phi nông nghiệp có việc làm sau đào tạo bình quân đạt 75%; lao động học nghề nông nghiệp tiếp tục làm nghề cũ nhưng hiệu quả đã đạt cao hơn so với khi chưa được học nghề.
Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương và của tỉnh về đào tạo nghề nghiệp và giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Thái Bình đã phát huy tốt vai trò kết nối cung - cầu lao động, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh. Trung tâm DVVL tỉnh Thái Bình là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh thông qua nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp như: (1) Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin tư vấn, giới thiệu việc làm qua mạng xã hội như Zalo, Facebook,… (2) Thu thập thông tin cung - cầu lao động, phân tích dự báo thông tin thị trường lao động trên địa bàn. Phối hợp với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. (3) Tổ chức kết nối các phiên giao dịch việc làm online hàng tháng, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được tiếp cận thông tin về việc làm và đào tạo nghề. Đẩy mạnh nhiệm vụ tư vấn giới thiệu việc làm trong và ngoài nước, tích cực giới thiệu việc làm cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. (4) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn tại các trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp và các trường PTTH để định hướng cho học sinh, sinh viên. Trong năm vừa qua, Trung tâm đã tư vấn hơn 13.030 lượt người, tổ chức thành công nhiều phiên giao dịch việc làm, giới thiệu và tuyển dụng lao động đạt kế hoạch đề ra. Sang năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng cũng có tới 94 doanh nghiệp đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng tại sàn với 21.576 lượt tuyển dụng. Đầu năm 2021 mở 3 phiên giao dịch việc làm với trên 400 lao động tham gia đăng ký tìm kiếm. Ngoài ra, Trung tâm còn tiếp nhận và giải quyết kịp thời chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 6.139 lao động, đào tạo dạy nghề từ xa và trực tuyến các chuyên ngành với số lượng 422 học viên. |
Nguồn: Vietnam Business Forum