Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Tài chính tỉnh Thái Bình đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất nhiều cơ chế chính sách về tài chính, phát triển kinh tế - xã hội. Ngành cũng triển khai nhiều giải pháp đảm bảo hiệu quả thu ngân sách; đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua điển hình tiên tiến ngành Thuế giai đoạn 2015 - 2020
Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng thực hiện 15.835,2 tỷ đồng, đạt 108,2% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bằng 108,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu ngân sách địa phương (NSĐP) 9 tháng thực hiện 13.225,3 tỷ đồng, đạt 108,4% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bằng 99,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa đạt 6.874,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51,9% tổng thu NSĐP, đạt 100,9% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bằng 153,7% so với cùng kỳ năm 2020. Thu thuế xuất, nhập khẩu: 1394,3 tỷ đồng, đạt 126,8% dự toán giao, bằng 163,3% so với cùng kỳ năm 2020; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương: 5.310,1 tỷ đồng, đạt 78,9% dự toán năm. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước tiếp tục có chuyển biến và ngày càng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng dần.
Nhờ thu ngân sách đạt khá, các nhiệm vụ chi được đảm bảo theo dự toán, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách và có thêm nguồn lực xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh về đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động sử dụng dự phòng NSĐP và nguồn lực tại chỗ để khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ đời sống nhân dân.
Tổng chi NSĐP 9 tháng thực hiện 9.666 tỷ đồng, đạt 79% dự toán năm, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chi phát triển kinh tế: 4.019,5 tỷ đồng, đạt 90% dự toán năm, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2020; chiếm tỷ trọng 43,4% tổng chi NSĐP; chi tiêu dùng thường xuyên: 5.160,1 tỷ đồng, đạt 68% dự toán năm, bằng 101% so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước.
Từ nay đến cuối năm, với quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với các ngành Thuế, Kho bạc nhà nước và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách nhà nước để đảm bảo nguồn thanh toán cho các dự án, rút ngắn thời gian kiểm soát chi.
Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tiến độ thực hiện các dự án và rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các dự án để phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của những dự án chậm giải ngân cho các dự án trọng điểm, các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn... phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công năm 2021 đã được giao.
Bên cạnh đó, Sở Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thu nộp ngân sách,... tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn.
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI