Dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương cùng nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Bạc Liêu đã cơ bản hoàn thành “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Hoàng Ngọc thực hiện.
Trong năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trên nhiều tỉnh thành, trong đó có tỉnh Bạc Liêu. Dịch bệnh đã ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế - xã hội của địa phương, thưa ông?
Năm 2021, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, cả nước nói chung và Bạc Liêu nói riêng tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, thương mại - dịch vụ sụt giảm mạnh.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2021 có 09/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm. Khu vực dịch vụ gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng, nhất là du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách,... Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể tăng so cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh so cùng kỳ; việc làm của người lao động bị thiếu hụt, số ngày làm việc bị giảm dẫn đến thu nhập của người lao động giảm sút và không ổn định; năng lực y tế cơ sở còn thiếu và yếu, công tác y tế dự phòng chưa được chú trọng; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân giảm sâu; việc dạy và học trực tuyến còn nhiều bất cập...
Vượt lên những khó khăn, kết quả tích cực mà Bạc Liêu đạt được trong năm qua là gì, thưa ông?
Với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, cùng quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là: Sản lượng thủy sản tăng 8,84% so cùng kỳ (riêng tôm nuôi tăng 22,12%); công nghiệp năng lượng tái tạo có sự chuyển biến mạnh, trong năm 2021 có 07 dự án điện gió, với công suất 370 MW được hoàn thành đưa vào hoạt động, nâng tổng số nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh lên 08 dự án, với tổng công suất 469,2 MW. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 15,7% so cùng kỳ; thu ngân sách địa phương được bảo đảm, đạt 109,29% dự toán.
Trong 19 chỉ tiêu kế hoạch năm, có 10/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,05%, tuy mức tăng này thấp hơn Nghị quyết năm 2021 đề ra (9-10%); song nếu so trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì đứng vị trí 1/13, so với cả nước thì xếp thứ 30/63. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư và đời sống nhân dân. Tỉnh Bạc Liêu có những chính sách gì để đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp?
Trong thời gian vừa qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của cả nước nói chung, của tỉnh Bạc Liêu nói riêng; trong đó tác động rất lớn tới đời sống nhân dân, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong tỉnh. Song với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh đã tích cực vận động các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh ủng hộ, cùng với nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ giúp cho người dân, doanh nghiệp có hoàn cảnh khó khăn để cùng nhau vượt qua giai đoạn này.
Lãnh đạo Tỉnh ủy – UBND tỉnh Bạc Liêu kiểm tra dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 5
Kết quả tính đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 186.782 người với số tiền trên 336.539 triệu đồng; trong đó, hỗ trợ cho 4.822 doanh nghiệp, hộ kinh doanh với số tiền trên 26.855 triệu đồng; ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Bạc Liêu 15 tỷ đồng để thực hiện cho vay đối với người nghèo, các đối tượng chính sách, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Rà soát, nắm nhu cầu tuyển dụng của công ty, doanh nghiệp, nhu cầu việc làm của người lao động để giới thiệu việc làm cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là các công ty, doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất nhưng bị thiếu hụt lao động; phối hợp với một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai,…kết nối, hỗ trợ người lao động trở lại các công ty, doanh nghiệp mà người lao động đã làm việc trước đây để tiếp tục làm việc. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở cho người dân và thực hiện công tác an sinh xã hội đối với người lao động tỉnh Bạc Liêu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; trong đó có người lao động trở về địa phương đang gặp khó khăn, sớm tạo điều kiện cho người dân có việc làm, chỗ ở, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại cơ sở phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; chủ động tìm giải pháp để đẩy nhanh việc thành lập doanh nghiệp mới. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thực hiện cam kết sẽ “luôn đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp” vượt qua khó khăn. Tăng cường khuyến khích đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp và nhất quán phương châm “việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó các cơ quan nhà nước phải làm” và “Nói không với các chi phí không chính thức”. Tỉnh cũng tổ chức các buổi tọa đàm, họp mặt, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, nhằm kịp thời động viên giúp họ tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, an tâm sản xuất, kinh doanh.
Bạc Liêu được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của Bán đảo Cà Mau. Bạc Liêu sẽ ưu tiên phát triển cụ thể các ngành kinh tế nào, thưa ông?
Để phát huy tiềm năng thế mạnh của mình, Bạc Liêu sẽ tập trung đột phá, ưu tiên phát triển một số ngành kinh tế. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là tôm ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị. Phát triển Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp giống, nuôi trồng, chế biến về tôm của cả nước.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đột phá là công nghiệp năng lượng tái tạo, điện khí, công nghiệp chế biến thủy hải sản. Phấn đấu phát triển Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia.
Đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Phát triển thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao. Tiếp tục thu hút đầu tư các dự án giáo dục chất lượng cao; nhân rộng loại hình giáo dục tiểu học, trung học cơ sở chất lượng cao; xây dựng mô hình y tế chất lượng cao; phát triển kỹ thuật cao cho y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh triển khai các dự án y tế chất lượng cao trên địa bàn.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát huy vai trò là trụ cột của nền kinh tế.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum