HƯNG YÊN

Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

21:22:36 | 4/5/2022

Cách đây 25 năm, khi mới tái lập, Hưng Yên là tỉnh thuần nông, đất hẹp, người đông, xuất phát điểm thấp. Để góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hưng Yên đã tập trung giải bài toán “Nâng cao chất lượng, ổn định sản xuất và tiêu thụ hiệu quả sản phẩm nông nghiệp, cải thiện đời sống người nông dân...” và đạt được những thành tựu quan trọng.

Theo ông Lê Trung Cần - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên, với sự tâm huyết, chủ động, sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... nhất định sẽ mang lại thành công.

Thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cùng chung quan điểm với tỉnh Hưng Yên, nhân chuyến về thăm và làm việc với tỉnh năm 2018, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhận định: “Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn  phát triển đô thị với kinh tế nông thôn, dân cư, lao động, du lịch; phát huy lợi thế gần Hà Nội để phát triển nông nghiệp đặc trưng, đặc sản đô thị.”.

Hưng Yên là tỉnh thứ 3 trên cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020 (bê tông hóa hạ tầng giao thông nông thôn, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng bộ...). Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh và các sở, ngành, địa phương cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống từng xã, huyện nghiên cứu, phối hợp xây dựng các đề án phát triển cây trồng, vật nuôi; xây dựng đăng ký nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp; thực hiện chương trình VietGAP; xây dựng đăng ký sản phẩm OCOP; tổ chức các hội nghị tập huấn; tổ chức các đợt tham quan học tập mô hình thành công trong và ngoài tỉnh; tổ chức các kỳ hội chợ trong nước và quốc tế... Đến nay, do định hướng đúng và sự quan tâm đầu tư trọng tâm, trọng điểm của Trung ương, tỉnh Hưng Yên; trách nhiệm sát sao của ngành NN&PTNT cùng các ngành, các cấp liên quan đã tạo động lực để các tổ chức tập thể (hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp), cá nhân (các hộ gia đình) tiếp nhận chuyển giao hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin... vào sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm khá thành công trong thời gian qua.


Chăn nuôi gà Đông Tảo tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu

Kết quả cụ thể: Năm 2021, tổng diện tích cây ăn quả của Hưng Yên ước đạt 14.668ha (tăng 3,25%), góp phần đưa giá trị thu nhập bình quân 01ha đất canh tác đạt trên 215 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng/ha so với năm 2020... Chăn nuôi nhìn chung ổn định, tăng trưởng 3,86%; tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển khá tốt. Diện tích nuôi trồng thủy sản 5.570ha, sản lượng 50.238 tấn. Kinh tế hợp tác phát triển, đa dạng về hình thức và quy mô, trong năm 2021, thành lập mới được 21 hợp tác xã và 140 tổ hợp tác, nâng tổng số 339 hợp tác xã; duy trì 175 liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, như chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo; chuỗi sản xuất, tiêu thụ nhãn; cá lồng...; có 70 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên, nâng tổng số lên 140 sản phẩm được đánh giá... Năm 2021, có thêm 23 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 06 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 26 khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ số hộ dân nông thôn có điều kiện sử dụng nước sạch đạt 92%...

Đổi mới tư duy quản lý, tổ chức sản xuất

Trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình đem lại giá trị gia tăng và được nhân rộng thành công như: Gạo nếp thơm Hưng Yên (thị trấn Yên Mỹ), nhãn lồng Nễ Châu, cá sạch Hưng Hải (TP.Hưng Yên); vải lai chín sớm, dưa lưới, dưa chuột (huyện Phù Cừ); nghệ Chí Tân, chuối tiêu hồng, gà Đông Tảo (Khoái Châu); hoa, cây cảnh (Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu); bí đỏ, dưa chuột (Kim Động)...

Chúng tôi có dịp tiếp xúc với một số hợp tác xã điển hình như: Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu (thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, TP.Hưng Yên) sản xuất nhãn (diện tích 22ha) theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi; Hợp tác xã thuỷ sản Hưng Hải (TP.Hưng Yên) nuôi cá lồng (57 lồng) trên sông đạt tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất, tiêu thụ và chế biến theo chuỗi; Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát (xã Tống Chân, huyện Phù Cừ) sản xuất dưa lưới, dưa chuột an toàn trong nhà lưới (diện tích 8.000m2);… Cùng với đó là các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh ở huyện Văn Giang như: Anh Nguyễn Thành Luân (xã Mễ Sở) tạo thế quất cảnh độc đáo; anh Nguyễn Văn Thao (xã Liên Nghĩa) với những chậu bưởi cảnh tạo dáng nghệ thuật, quất cảnh bon sai ghép với gỗ lũa tạo dáng độc đáo; anh Nguyễn Văn Hưng (xã Thắng Lợi) ghép chanh, quất lên gốc bưởi “cổ thụ” tạo nên cây cảnh có dáng chuẩn “độc, lạ”… Tất cả các cơ sở này đều được đầu tư hệ thống camera tại nơi sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các website, thanh toán qua điện thoại thông minh…

Qua thực tiễn các mô hình chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp thành công đều cho thấy điểm chung là đánh giá cao về sự hưởng lợi, động lực thúc đẩy qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; sản xuất an toàn VietGAP; đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin, thương mại điện tử… Từ đó, đã tạo sự đổi mới căn bản về tư duy quản lý, tổ chức sản xuất, nhạy bén về thị trường, thúc đẩy liên kết rộng khắp trong tỉnh, ngoài tỉnh và mở rộng ra nước ngoài để tạo chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập của người nông dân, thúc đẩy nông nghiệp Hưng Yên phát triển bền vững.

Nguồn: Vietnam Business Forum