Tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình của Tỉnh ủy về phát triển khu, cụm công nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là tháo gỡ các “điểm nghẽn” về cơ chế chính sách, hạ tầng kết nối, giải phóng mặt bằng… nhằm chuẩn bị điều kiện thuận lợi nhất để đón nhà đầu tư. Ông Phạm Thành Khôn - Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Long đã có cuộc trò chuyện với Vietnam Business Forum về nội dung này.
Ông có thể nêu những điểm nhấn nổi bật trong bức tranh chung về các KCN tỉnh Vĩnh Long hiện nay?
Tỉnh Vĩnh Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 5 KCN với tổng diện tích 1.335ha, trong đó KCN Hòa Phú (giai đoạn 1, 2) 250ha và KCN Bình Minh 134ha đã đi vào hoạt động. 03 KCN còn lại gồm: Đông Bình diện tích 350ha đã quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và UBND tỉnh quyết định thành lập KCN; Bình Tân diện tích 400ha đã lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 và Công ty cổ phần KCN Gilimex Vĩnh Long đã hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; An Định diện tích 200ha đã quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 và Công ty cổ phần Long Hậu đang lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Lũy kế đến tháng 4/2022, các KCN đã thu hút 63 dự án với tổng vốn thực hiện/đăng ký 1.946/3.103 tỷ đồng và 567/796 triệu USD (đạt 71,27%) với diện tích đất triển khai/đất thuê 179/274ha.
Theo ông, đâu là lợi thế thu hút đầu tư của các KCN Vĩnh Long?
Vĩnh Long nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, giữa 02 trung tâm kinh tế lớn TP.Hồ Chí Minh và TP.Cần Thơ, có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, logistic… Tỉnh còn nằm trên điểm giao của 2 trục hành lang kinh tế - đô thị quan trọng: Trục Sông Tiền - sông Hậu (trục hành lang kinh tế Đông - Tây) và quốc lộ 91 (tuyến Nam sông Hậu) với cực tây là khu vực cửa khẩu An Giang và Đồng Tháp, cực Đông là vùng đô thị - cảng ven biển và hệ thống cảng Sóc Trăng (cảng Trần Đề); Trục hành lang kinh tế đô thị quốc lộ 1 - đường Hồ Chí Minh (hướng Bắc - Nam) với TP.Cần Thơ là trung tâm vùng và cực Bắc là TP.Mỹ Tho. Đặc biệt, 02 KCN Hòa Phú và Bình Minh nằm sát quốc lộ 1A nên rất thuận tiện trong việc lưu thông hàng hóa bằng đường bộ và KCN Bình Minh sát sông Hậu nên lưu thông hàng hóa bằng đường thủy cũng thuận lợi.
Những năm qua, cơ sở hạ tầng các KCN ngày càng hoàn thiện. Hệ thống giao thông trong, ngoài KCN dần kết nối đồng bộ với cơ sở hạ tầng của tỉnh và khu vực. Các nhà máy xử lý nước thải tại các KCN cũng đi vào hoạt động đã tạo thuận lợi cho thu hút các dự án FDI.
Cùng với môi trường chính trị - xã hội ổn định, các KCN luôn nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Quá trình cải cách thủ tục hành chính tại Vĩnh Long được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực. Ban quản lý KCN luôn tích cực phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ; thống nhất kế hoạch kiểm tra, thanh tra;... góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư (cấp giấy chứng nhận đầu tư, xây dựng, môi trường,…)
Ông có thể cho biết tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) tại các KCN Vĩnh Long hiện nay?
Trong 3 tháng quý I/2022, các DN đã tạo giá trị sản xuất 4.144 tỷ đồng (giá năm 2010), tăng 22,77% so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu đạt 166.088 tỷ đồng, tăng 25,56% so cùng kỳ; giá trị xuất khẩu 152 triệu USD, tăng 27%, giá trị nhập khẩu 55 triệu USD, giảm 41% so cùng kỳ 2021. Các DN hiện tạo 45.717 việc làm, tăng 4.089 người so với cùng kỳ năm 2021.
Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, các DN đã phối hợp tốt với Ban, các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp sản xuất - kinh doanh phù hợp và đầu tư mua vaccine, khẩu trang y tế, dụng cụ sát khuẩn... và hỗ trợ trợ cấp tiền cho người lao động mất việc làm tạm thời. Sau khi trở về “trạng thái bình thường mới”, DN đã nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh, sớm bố trí cho người lao động trở lại làm việc.
Trong năm 2022, Ban đang tham mưu thực hiện giải pháp nào nhằm đồng hành với DN, nhà đầu tư?
Ban tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các KCN, nhất là các kết nối đồng bộ các tuyến giao thông trong, ngoài KCN. Ban cũng đẩy mạnh cải cách TTHC, trước hết là thực hiện tốt Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý giữa Ban với các sở, ngành và chính quyền địa phương, qua đó thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thống nhất kế hoạch kiểm tra, thanh tra,... và rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư; rút ngắn tối đa thời gian giải quyết hồ sơ trong việc cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Cấp chứng chỉ quy hoạch xây dựng;… Ban còn tăng cường tiếp xúc, đối thoại với các DN và nhà đầu tư để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc; không để các vụ việc giải quyết dây dưa, kéo dài.
Ngoài ra, Ban tiếp tục thực hiện tốt ISO hành chính công, công tác cải cách hành chính, ứng dụng phần mềm một cửa tại chỗ giải quyết giao trả hoàn thành không có hồ sơ tồn đọng quá hạn định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành.
Việc triển khai Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 02/3/2022 về Kế hoạch thực hiện chương trình của Tỉnh ủy về phát triển khu, cụm công nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển nền kinh tế tỉnh Vĩnh Long và đâu là vướng mắc cần tập trung tháo gỡ, thưa ông?
Việc triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình của Tỉnh ủy về phát triển khu, cụm công nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 không chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 -2025 đề ra (tăng 12%/năm) mà còn tạo sự đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai Kế hoạch cũng góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo sự liên kết hiệu quả giữa các KCN, đảm bảo sự phát triển nhanh bền vững và bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm cho người dân.
Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, Ban đang tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ các "điểm nghẽn", cụ thể như:
Đối với KCN Đông Bình, Ban tập trung phối hợp với chủ đầu tư, UBND TX.Bình Minh và các sở ngành đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm tạo quỹ đất sạch để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Đối với các KCN Bình Tân và An Định, Ban tích cực phối hợp cùng với các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, tiến tới ra quyết định thành lập KCN Bình Tân và chuẩn bị GPMB, hỗ trợ tái định cư cho người dân.
Bên cạnh đó, Ban tập trung phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh đưa các KCN mới vào quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, gồm: KCN Hòa Phú mở rộng (giai đoạn 3) diện tích 157ha; KCN Tân An Thạnh diện tích 500ha; KCN Phước An diện tích 200ha; KCN Trung Thành Tây diện tích 300ha; KCN Đình Khao diện tích 400ha và KCN phức hợp, cảng, logistic Mỹ Hòa, diện tích 300ha.
Ban có kiến nghị gì với các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh?
Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long kiến nghị các bộ, ban, ngành Trung ương sớm có kế hoạch nâng cấp tuyến quốc lộ 54 đoạn đường đi qua tỉnh Vĩnh Long (KCN Đông Bình và Bình Tân nằm cạnh quốc lộ 54). Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh sớm triển khai thực hiện Dự án Đường từ quốc lộ 54 đến KCN Bình Minh (trong đó có đoạn đường N3 trong KCN Bình Minh).
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI