HẬU GIANG

Huyện Long Mỹ: Phát huy thế mạnh nông nghiệp

08:23:45 | 16/6/2022

Là huyện thuần nông, từ xuất phát điểm thấp, đến nay Long Mỹ đang ngày càng phát triển, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Huyện đang tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư để tạo đà bứt phá.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ

Nhiều dư địa phát triển

Nằm cách trung tâm tỉnh Hậu Giang 15km, Long Mỹ có vị trí quan trọng của tỉnh Hậu Giang. Huyện nằm dọc trên các tuyến giao thông thuỷ bộ quan trọng của tỉnh và tiểu vùng Tây Sông Hậu, có những điểm giao lưu kinh tế với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và với đô thị trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là thành phố Cần Thơ.

Bên cạnh đó, Long Mỹ có tiềm năng đất đai với quy mô lớn. Môi trường, thổ nhưỡng rất thích hợp cho cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất lớn, hiệu quả bền vững, nguồn lao động nông nghiệp dồi dào, người dân cần cù, sáng tạo và năng động… Thế mạnh lớn nhất của huyện chính là nông nghiệp, sản xuất lúa, khóm, mãng cầu, bưởi… và khai thác tiềm năng mặt nước nuôi thuỷ sản, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang (diện tích 5.200ha) đầu tiên của vùng ĐBSCL. Trên cơ sở quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, huyện sẽ xây dựng một nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, thu hút vốn, quy tụ các nguồn lực vào sản xuất, góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống. Huyện đã ban hành Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Cùng với thế mạnh nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện cũng phát triển nhanh. Nhiều cơ sở thành lập mới và nhiều ngành nghề được mở rộng như: Sơ chế nông sản, cơ khí, mộc dân dụng, xay xát,… nhất là nghề đan lục bình. Toàn huyện có 568 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 2.932 cơ sở thương mại, dịch vụ;....

Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có nhiều di tích văn hoá lịch sử như căn cứ Khu ủy Tây Nam bộ, Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm,... Huyện đang đẩy mạnh xây dựng tuyến du lịch miệt vườn, du lịch tâm linh và Khu di tích chiến thắng Chương Thiện (xã Vĩnh Viễn) và Đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm)….

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh những huyện vẫn thực hiện đạt và vượt 13/16 chỉ tiêu; 02 chỉ tiêu đạt trên 90%; 01 chỉ tiêu đạt 77,74%. Tổng giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) là: 3.739/3.799 tỷ đồng (tăng 31 tỷ đồng so với cùng kỳ), đạt 98,41% so với Nghị quyết HĐND huyện giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 584.091/643.174 triệu đồng, đạt 90,81% Nghị quyết.

Huyện có 03 xã đạt nông thôn mới: Thuận Hưng, Lương Tâm, Vĩnh Thuận Đông; 02 xã đạt tiêu chí đô thị loại V; 01 thị trấn. Đến nay xã Thuận Hưng đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và huyện Long Mỹ đặt mục tiêu đến 2025 hoàn thành cơ bản huyện nông thôn mới.

Phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư

Xác định phát triển cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, do đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu được Long Mỹ đặc biệt quan tâm. Huyện đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình xây dựng nông thôn mới, chủ động lồng ghép, huy động đa dạng vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Hệ thống giao thông của huyện thông suốt, ấp liền ấp; trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế không ngừng được đầu tư, xây dựng, sửa chữa... góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, nâng cấp hạ tầng huyện lỵ. Nhiều công trình đưa vào sử dụng đã tác động tích cực, thay đổi diện mạo địa phương như: Đường tỉnh 930, 930B; tuyến Xà Phiên - Vịnh Chèo; tuyến đê ngăn mặn Vị Thanh - Long Mỹ; hệ thống giao thông nông thôn, bờ bao và cống đập khép kín khu vực sản xuất;…

Huyện Long Mỹ cũng hình thành các cụm kinh tế xã hội, trung tâm chợ xã; cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được quy hoạch và đang triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian tới Long Mỹ sẽ tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh và thế mạnh để thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với du lịch cộng đồng; công nghiệp chế biến sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội... Trong đó ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo đất sạch để thu hút đầu tư….

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện sẽ quy hoạch cụ thể từng dự án, công trình và thực hiện từng bước. Bên cạnh đó, cũng kêu gọi cả hệ thống chính trị và nhân dân ủng hộ, thực hiện để huyện phát triển mọi mặt ngang tầm với các huyện trong tỉnh.

Đồng hành cùng các nhà đầu tư, huyện luôn xác định quan tâm, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân. Huyện sẽ có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, đặc thù, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, hấp dẫn, đồng hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cùng doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính và tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư.

Năm 2022 huyện Long Mỹ đặt mục tiêu: Tổng giá trị sản xuất (giá so sánh) đạt từ 3.861 tỷ đồng; cơ cấu chuyển dịch (giá thực tế): Khu vực I chiếm 64,04%, khu vực II chiếm 20,18%, khu vực III chiếm 15,78%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 572 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5% trở lên...

Nguồn: Vietnam Business Forum