Tỉnh Hà Nam đang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tất Nhiên - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Hà Nam xung quanh nội dung này.
Gian hàng trưng bày tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Nam
Ông đánh giá thế nào về tiềm lực KHCN của tỉnh và thực trạng đổi mới, ứng dụng KHCN của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Nam những năm gần đây?
Những năm qua, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, tiềm lực KHCN của Hà Nam đã được tăng cường đáng kể, bước đầu hình thành mạng lưới các đơn vị nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và chuyển giao KHCN.
Hà Nam có nguồn nhân lực khá dồi dào, khoảng 17.500 người trong cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và DN. Đây là lực lượng trí thức quan trọng để nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đi đầu tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật (KHKT) và chuyển giao công nghệ. Hà Nam nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô nên có nhiều thuận lợi trong phát triển nhân lực KHCN nội tỉnh và thu hút từ bên ngoài.
Tỉnh hiện có 01 tổ chức KHCN công lập, 04 trường cao đẳng, 03 cơ sở của trường đại học, 08 tổ chức KHCN, trong đó có 02 tổ chức KHCN công lập và 06 DN KHCN. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của hệ thống các tổ chức KHCN được đầu tư, nâng cấp hiện đại hóa cả về quy mô và trình độ trang thiết bị. Các phòng thí nghiệm được công nhận LAS và VILAS; các trung tâm thực hiện chức năng tiếp nhận và chuyển giao KHCN được đầu tư cơ sở vật chất, tài chính nên có khả năng tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống.
Tuy tiềm lực KHCN đã cải thiện đáng kể nhưng thực trạng đổi mới, ứng dụng KHCN của DN lại khá khiêm tốn và còn chậm. Hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra chủ yếu ở DN FDI, ít về số lượng, nhỏ về quy mô; từ năm 2016 đến nay Sở đã cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung 16 giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
Theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất trong việc đưa KHCN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh? Để góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” này, Sở đã, đang tham mưu thực hiện các giải pháp, hoạt động nào?
Việc đưa KHCN trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội những năm qua gặp một số khó khăn do mức độ đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn; các yếu tố cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thị trường KHCN còn thiếu và yếu. Trong khi việc triển khai chính sách phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao thì số DN KHCN trên địa bàn còn rất ít nên năng lực ĐMST còn rất hạn chế,…
Để tháo gỡ “điểm nghẽn” trên, Sở đã tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động như: Tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch phát triển KHCN và ĐMST, nổi bật gần đây là: Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Kế hoạch hỗ trợ phát triển DN KHCN tỉnh Hà Nam đến năm 2025,… Đồng thời, tham mưu triển khai hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo năm 2022 trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Trong các kế hoạch này, các nhiệm vụ, giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện được chỉ ra cụ thể, rõ việc, rõ đầu mối. Với sự vào cuộc sát sao, mạnh mẽ từ các cấp, ngành trên địa bàn, tin tưởng những “nút thắt” sẽ dần được tháo gỡ, đưa KHCN ngày càng phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các cấp chính quyền và cải thiện chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh, Sở tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể nào?
Sở tập trung vào 5 nhóm giải pháp gồm:
- Tích cực tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật KHCN tạo hành lang pháp lý quan trọng cho ngành KHCN và cho tổ chức, công dân giám sát việc thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước.
- Về công tác CCHC, các TTHC thuộc thẩm quyền của Sở được quyết liệt chỉ đạo giảm thời gian thực hiện lên đến 69,75%. Hiện Sở có 51 TTHC được thực hiện theo cơ chế một cửa (có 13 thủ tục thực hiện trực tuyến mức độ 3, 38 thủ tục mức độ 4) tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công.
- Tổ chức các cuộc thanh tra chấp hành pháp luật; các tổ công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về KHCN, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về KHCN của các tổ chức, cá nhân.
- Đồng hành, tạo niềm tin cho tổ chức, DN bằng các hoạt động cụ thể: Thực hiện tốt công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ, chú trọng các sản phẩm đặc sản, nghề truyền thống, từ đó giúp sản phẩm được bảo hộ sở hữu công nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và giá trị. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh đặt hàng các nhiệm vụ KHCN phát triển sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời hướng dẫn DN áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn, kỹ thuật tiên tiến, thúc đẩy đổi mới công nghệ,…
- Chú trọng công tác tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt việc áp dụng, duy trì cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL). Hiện 100% các cơ quan hành chính từ tỉnh đến huyện, xã đều áp dụng HTQLCL ISO 9001:2015 vào hoạt động quản lý điều hành.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được các cơ quan ban, ngành, địa phương của tỉnh hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt. Những chia sẻ về tầm nhìn, điểm nhấn phát triển KHCN tỉnh Hà Nam những năm tới?
Chúng tôi xác định rõ quan điểm phát triển KHCN phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo thống nhất với hệ thống quy hoạch tỉnh và phù hợp với chiến lược phát triển KHCN quốc gia; thực hiện nhất quán chủ trương KHCN là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế. Từ đó, Sở tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục tham mưu xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vào phát triển một số ngành KHCN mũi nhọn, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của tỉnh (trọng tâm vào công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao;…)
Hai là, xây dựng một số chương trình, nhiệm vụ KHCN trung hạn và dài hạn tập trung giải quyết các vấn đề lớn, trọng tâm như: Xây dựng nông nghiệp thông minh; nông nghiệp hữu cơ; chuyển đổi số,…
Ba là, xây dựng các giải pháp hỗ trợ DN nâng cao năng lực ĐMST, làm chủ công nghệ; chia sẻ cơ sở dữ liệu và các nghiên cứu; cung cấp thông tin sáng chế; hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo và tập trung cho nghiên cứu KHCN & ĐMST,…
Bốn là, tập trung xây dựng tiềm lực KHCN theo hướng hiện đại hóa cơ sở hạ tầng KHCN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, các chuyên gia về công tác tại tỉnh.
Thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, ngành KHCN sẽ tập trung ưu tiên đưa năng suất trở thành động lực quan trọng trong các ngành, lĩnh vực thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của KHCN, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số. Bên cạnh đó là đẩy mạnh chuyển đổi số cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó trọng tâm là hỗ trợ chuyển đối số với các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã và các tổ chức sản xuất kinh doanh khác. Sở cũng tham mưu tỉnh thúc đẩy sớm thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam, được kỳ vọng là một thiết chế KHCN đặc biệt, là môi trường hấp dẫn, kết nối, hội tụ các nguồn lực đầu tư, điểm nhấn để phát triển KHCN và ĐMST tỉnh Hà Nam và Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum