Với mục tiêu khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua tỉnh An Giang đã nỗ lực thực hiện Chương trình OCOP và đạt nhiều kết quả tích cực, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn ngày càng phát triển bền vững.
Các đại biểu tham dự một triển lãm nông nghiệp của tỉnh An Giang
Những kết quả ấn tượng
Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (giai đoạn trước là Quyết định 490/QĐ-TTg), tỉnh An Giang đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung theo Quyết định của Thủ tướng. Cụ thể, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 01/02/2023 về Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Và Chương trình OCOP được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Nhờ đó, các địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, đặc biệt là bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang cho biết: Đến nay, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh An Giang đã đạt được một số kết quả khả quan:
Chương trình OCOP được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025
Tính đến tháng 9/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 92 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên, bao gồm 02 sản phẩm đạt 5 sao - cấp quốc gia, 03 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 15 sản phẩm đạt 4 sao, 72 sản phẩm đạt 3 sao. Đã có 62 chủ thể sản xuất kinh doanh có sản phẩm OCOP, trong đó có 05 hợp tác xã (chiếm 8,2%), 01 tổ hợp tác (chiếm 1,6%), 21 doanh nghiệp (chiếm 33,8%) và 35 cơ sở sản xuất kinh doanh (chiếm 56,4%). Về cơ cấu nhóm, ngành sản phẩm: Có 66 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm (chiếm 69,77%), 22 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống (chiếm 26,74%) và 03 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ - trang trí (chiếm 3,49%). Theo thông tin các Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới các huyện, thị xã, thành phố, từ nay đến cuối năm 2023 sẽ rà soát, đánh giá, phân hạng các sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình và phấn đấu có thêm 50 - 70 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có thêm 170 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (trong đó phấn đấu có thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao - cấp quốc gia). Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; có 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử,…); phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Củng cố, nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển bền vững gắn với dịch vụ du lịch nông thôn.
Bên cạnh những kết quả kể trên, theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Trước hết, đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Kế đến, thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp, siêu thị (siêu thị Tứ Sơn - Châu Đốc, chuỗi cửa hàng nông sản an toàn Phan Nam tại các huyện, cửa hàng thuộc Công ty Cổ phần Rau quả An Giang, cửa hàng thuộc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, cửa hàng đặc sản An Giang và các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố) đã đặt hàng, ưu tiên sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh, hiện đang được tiêu thụ ổn định. Nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo nâng cao chất lượng, đã tiếp cận được thị trường xuất khẩu.
An Giang xây dựng hình ảnh sản phẩm OCOP chất lượng, an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường
Có thể thấy, Chương trình OCOP đã góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu, từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình cũng góp phần tạo việc làm, phát triển kinh tế, thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.
Đặc biệt, Chương trình còn tạo ra một môi trường hoạt động bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền; tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng doanh thu cho doanh nghiệp và thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
“Chương trình OCOP là chủ trương đúng đắn, cần thiết để tổ chức lại sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai, lợi thế của từng vùng, địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực
nông thôn và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.
Nông trại Phan Nam, không gian miệt vườn xanh mát giữa lòng TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang
Khắc phục tồn tại để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình
Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, chủ thể OCOP chủ yếu là các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất nhỏ, nhiều chủ thể ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế. Các chính sách, giải pháp về đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, quy mô nhỏ chưa gắn với yêu cầu và điều kiện thực tế; năng lực tư vấn hỗ trợ về đổi mới sáng tạo ở địa phương còn hạn chế. Do đó, cần nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn, tồn tại này và có giải pháp khắc phục.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình OCOP cần phải thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức tiếp cận và triển khai Chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp để thống nhất trong nhận thức và hành động.
Song song đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP; tăng cường triển khai chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thương hiệu của từng sản phẩm; có kế hoạch chuyên biệt, cụ thể, bài bản về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia.
Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, thường xuyên tổ chức các sự kiện để xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP. Xây dựng hình ảnh sản phẩm OCOP chất lượng, an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường. Tổ chức tốt chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt các ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0 vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ Chương trình OCOP. Lấy khoa học công nghệ làm khâu then chốt để tạo đột phá, nâng cao chất lượng, gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa. Các ứng dụng về khoa học công nghệ cần dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế OCOP.
An Giang đặt quyết tâm tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn. Đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và chuyển đổi số, góp phần hoàn thiện một số chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới một cách bền vững tại địa phương. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) nhằm phát huy sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng. |
Tập trung rà soát các sản phẩm có lợi thế, có nhu cầu thị trường lớn, trên cơ sở đó hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, định hướng để trở thành sản phẩm đạt OCOP.
Chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Cần ưu tiên hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp phát huy vai trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Tăng cường vai trò của các ngân hàng trong hỗ trợ tín dụng để phát triển sản xuất; có chính sách để ưu tiên vốn, đất đai, hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất ở các tổ chức kinh tế OCOP; xác định doanh nghiệp, hợp tác xã là nền tảng để xây dựng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm cần phải tập trung đi vào thực chất, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, dựa vào lợi thế, thế mạnh của sản phẩm đặc trưng; chú trọng đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP.
Quốc Hưng (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI