Theo Báo cáo xếp hạng PCI năm 2022, Kiên Giang xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố với 62,24 điểm, tăng 4 bậc xếp hạng so với năm 2021 và đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp địa phương này tăng bậc trên bảng xếp hạng PCI cả nước. Mặc dù thứ hạng cải thiện chưa nhiều song kết quả này cũng phần nào cho thấy rõ quyết tâm, nỗ lực không ngừng của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trong nâng cao Chỉ số PCI, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Những tín hiệu lạc quan
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, nhằm nâng cao Chỉ số PCI, thời gian qua UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 211/KH-UBND ngày 24/8/2023 về việc Cải thiện và nâng cao các Chỉ số: Cải cách hành chính (Par Index), Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nưóc (SIPAS), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) và Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn đến năm 2025 gồm hỗ trợ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...
Hội nghị họp mặt doanh nghiệp năm 2023 và khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân hoàn thành xuất sắc
Tính năng động, tiên phong trong chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI còn được thể hiện rõ qua việc lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang đã xây dựng các kịch bản để thích ứng với tình hình mới; triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo mọi thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Định kỳ hằng năm, UBND tỉnh đều tổ chức Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp (2 lần/năm) để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp; đồng thời chỉ đạo các Sở, ban ngành, địa phương giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để kiến nghị đến cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết
Ngoài ra UBND tỉnh còn chỉ đạo các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố theo dõi, tham mưu UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; chủ động nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cũng nằm trong mục tiêu chung cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI, tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc nâng cao Chỉ số PCI, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu của các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố trong thực thi nhiệm vụ. Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh sơ kết, tổng kết việc thực hiện cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI nhằm phân tích, đánh giá những mặt làm được và những hạn chế đề ra giải pháp khắc phục.
Hàng năm UBND tỉnh đều chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng báo cáo Kết quả Chỉ số PCI Kiên Giang và giải pháp cải thiện, nâng cao PCI; đang chỉ đạo Trung tâm phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng dự thảo Đề cương Đề án nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kiên Giang tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số xanh năm 2023
Tính năng động, tiên phong trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội địa phương được thể hiện rõ qua việc lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang đã xây dựng các kịch bản để thích ứng với tình hình mới; thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo mọi thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư… Từ đó, góp phần đưa Kiên Giang vào nhóm các tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao trong năm 2022. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đạt và vượt 24/24 chỉ tiêu kế hoạch đề ra; GRDP bình quân đầu người đạt 66,24 triệu đồng, tăng 8% so với kế hoạch.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2022 Chỉ số PCI của tỉnh Kiên Giang đạt 62,24 điểm, tăng 2,51 điểm so với năm 2021, xếp hạng 56/63 tỉnh, thành cả nước và xếp hạng 11/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Mặc dù kết quả xếp hạng Chỉ số PCI của tỉnh năm 2022 chưa đạt được số điểm và thứ hạng cao như kỳ vọng (65 điểm trở lên và trở lại nhóm khá của cả nước) nhưng cũng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ (so với cả nước tăng 04 bậc so với năm 2021; so với các tỉnh tại khu vực ĐBSCL tăng 02 bậc so với năm 2021) và một số chỉ số thành phần thuộc nhóm Tốt (Chỉ số cạnh tranh bình đẳng, Chi phí gia nhập thị trường). Một "điểm sáng" nữa là kết quả PCI năm 2022 của Kiên Giang đã giữ vững xu hướng cải thiện và có sự đồng đều ở các chỉ số thành phần, trong đó chỉ số thành phần cạnh tranh bình đẳng, gia nhập thị trường và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đều nhận được những đánh giá cao từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Quyết tâm gia nhập nhóm Khá trên bảng xếp hạng PCI cả nước
Năm 2023, Kiên Giang đặt mục tiêu Chỉ số PCI phải tăng điểm, tăng hạng, đạt từ 67 điểm trở lên và trở lại nhóm các tỉnh có thứ hạng Khá của cả nước. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh chủ trương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp với quyết tâm cao nhất để tập trung giải quyết tốt 3 nhóm vấn đề về "Cải cách hành chính", "Công khai minh bạch", "Trách nhiệm giải trình". Trong đó tỉnh đặc biệt chú trọng tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hướng tới mục tiêu phục vụ doanh nghiệp và người dân là trọng tâm.
Ngày 8/11/2023, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần 2.
Thực hiện tốt vai trò của Tổ Công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh (Tổ 1602). Phát huy tốt hơn nữa hoạt động của Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, kết luận chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Tổ 770) để kịp thời đề xuất, biểu dương những đơn vị làm tốt; chấn chỉnh những đơn vị chậm trễ thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng công tác đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, công khai kết quả xử lý sau đối thoại; tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, địa bàn và nhóm doanh nghiệp… Đa dạng hóa kênh thông tin phản ánh, tiếp nhận và phản hồi trong giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.
Về giao trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban ngành, UBND tỉnh Kiên Giang giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan kịp thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án nâng cao Chỉ số PCI giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành và địa phương (DDCI). Phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường phối hợp để tạo sự đồng bộ trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI, Chỉ số DDCI với Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch cùng các Sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan kịp thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ số xanh (PGI) năm 2023 và những năm tiếp theo. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch và các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến về các chỉ số, quảng bá hình ảnh, kết quả trong việc điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ; các hiệp hội, hội theo chức năng quản lý nhà nước của Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn tổ chức để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có uy tín tham gia vào Hiệp hội; chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương tuyên truyền về Chỉ số PCI, DDCI, PGI để các doanh nghiệp hiểu và đánh giá đúng trong quá trình tham gia khảo sát.
Về phía các Hội, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần phối hợp tốt với các Sở, ban ngành và địa phương tuyên truyền rộng rãi đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chỉ số PCI, DDCI, PGI để các doanh nghiệp hiểu và đánh giá đúng trong quá trình tham gia khảo sát, đánh giá.
Vững tin với sự quyết tâm, tinh thần "nói đi đôi với làm"; sự đồng lòng của lãnh đạo các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cùng sự hỗ trợ tích cực của Trung ương, tỉnh Kiên Giang sẽ sớm khắc phục được những "điểm nghẽn" trong cải cách thủ tục hành chính, qua đó ngày càng nâng cao hơn nữa sức hút môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành bến đỗ lý tưởng của các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước.
Công Luận (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.