TIỀN GIANG

Hành động quyết liệt vì Tiền Giang vươn xa

14:25:00 | 14/1/2024

Xây dựng Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp hợp lý, tối ưu hóa nguồn lực, hình thành các vùng động lực, trung tâm quốc tế, đô thị chiến lược, kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại... Đó là một trong những mục tiêu đề ra tại Quy hoạch Tiền Giang thời kỳ 2021-2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: Trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị trên địa bàn sẽ vào cuộc mạnh mẽ, hành động quyết liệt để triển khai hiệu quả Quy hoạch, qua đó tháo gỡ các điểm nghẽn và nắm bắt cơ hội đưa Tiền Giang vươn xa.

Với những nỗ lực vượt “cơn gió ngược” trong năm 2023, Tiền Giang đã đạt kết quả quan trọng về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; qua đó tạo thế, lực và niềm tin bước vào thời kỳ bứt phá mới. Ông có thể cho biết rõ hơn kết quả trên cùng các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024?

Năm 2023 nhờ sự tập trung lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, sự chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh cùng sự đồng thuận, nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn nên Tiền Giang đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Kinh tế - xã hội đang chuyển biến tích cực, quý sau cao và tốt hơn quý trước. Hầu hết chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đều đạt và vượt; nổi bật là: Tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 82% kế hoạch ; kim ngạch xuất khẩu 5,1 tỷ USD, tăng 25% so cùng kỳ; thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 10.226 tỷ đồng, đạt 99,4% dự toán; thu hút 17 dự án với tổng vốn đăng ký 7.821 tỷ đồng, tăng 01 dự án và 76% so với năm 2022; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công luôn đứng ở Top đầu cả nước. Công tác an sinh xã hội được quan tâm; các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề nông thôn,… được lồng ghép và triển khai đồng bộ, kịp thời; quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.


Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, trao quyết định đầu tư cho nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022

Bước sang năm 2024, Tiền Giang đặt ra các mục tiêu: Tăng trưởng kinh tế từ 7 - 7,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 50.400 - 50.650 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 8.801 tỷ đồng; giải quyết 18.000 việc làm; GRDP/người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng; có 90% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2022 - 2025; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 2 huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 2 huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao…

Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến tích cực, thực chất hơn trong các khâu đột phá; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại;… đặc biệt là tập trung đẩy mạnh triển khai cụ thể hoá Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Tin tưởng rằng với khát vọng mạnh mẽ và nỗ lực cao nhất đang lan toả trong cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp cùng người dân trên địa bàn, Tiền Giang sẽ quyết tâm, nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu đề ra năm 2024, tạo đà cho cả giai đoạn tăng trưởng bứt phá.

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã gợi mở khát vọng, động lực tăng trưởng mới. Ông có chia sẻ hay thông điệp gì về hành trình: Nghĩ lớn, hành động quyết liệt vì một Tiền Giang vươn xa?

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, một trong những cực tăng trưởng vùng ĐBSCL, giữ vai trò là cầu nối giữa ĐBSCL và vùng Đông Nam bộ;... Quy hoạch đề ra 22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, kết cấu hạ tầng và đảm bảo quốc phòng, an ninh, nổi bật như: Giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP từ 8,0 - 9,0%/năm; GRDP/người đến năm 2030 đạt 140 - 145 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa tính theo khu vực toàn đô thị đến năm 2030 từ 45 - 47%; thúc đẩy kinh tế số, phát triển đóng góp 15% vào năm 2025 và 25% vào năm 2030; giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2024 còn 0,87% và năm 2030 còn 0,7%...
 

Quy hoạch cũng tập trung giải quyết các điểm nghẽn, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với không gian phát triển kinh tế quốc gia, vùng, liên vùng TP.Hồ Chí Minh và ĐBSCL; phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và đô thị xanh, thông minh, dịch vụ du lịch, thương mại, logistics, thị trường bất động sản theo hướng tích hợp thay vì chỉ chú trọng từng ngành biệt lập. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh CCHC, chuẩn bị tốt hạ tầng kinh tế nhằm thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh, lan tỏa đến toàn bộ các ngành, lĩnh vực kinh tế. Quy hoạch còn đề cập việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế chủ lực, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển đô thị thông minh tại TP.Mỹ Tho, một số thị xã, thị trấn và các khu đô thị mới với mũi nhọn là khu Công viên phần mềm Mekong…

Để thực hiện tốt Quy hoạch, tỉnh sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn trước mắt để kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, đột phá các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được phê duyệt; đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, định kỳ rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách TTHC, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, hấp dẫn nhà đầu tư. Cùng với kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình hoạt động, Tiền Giang sẽ làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư.

Tỉnh cũng huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Tiền Giang với các tỉnh, thành phố, nhất là phát huy vai trò “cầu nối” giữa vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ.

Một điểm nhấn nữa là tỉnh sẽ quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. 

Ngoài ra là việc khơi dậy các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng quê hương; quan tâm an sinh xã hội; tăng cường đầu tư cho y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở; chăm lo đối tượng chính sách, gia đình có công, người yếu thế trong xã hội với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Những năm qua, Tiền Giang đã quan tâm phát triển doanh nghiệp - doanh nhân như thế nào? Để tháo gỡ các khó khăn và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh tại các tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thực hiện các giải pháp, hoạt động cụ thể gì?

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26/7/2021 về tiếp tục lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; trong đó đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp như: thống nhất trong chỉ đạo từ cấp ủy đến chính quyền trong việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ và tạo điều kiện chuyển đổi hộ kinh thành doanh nghiệp. Dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển mới 4.100 doanh nghiệp. Kết quả từ năm 2021 đến 31/10/2023 đã thành lập mới 2.249 doanh nghiệp nâng tổng số trên địa bàn đến tháng 10/2023 có 6.026 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho gần 200.000 lao động.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, UBND tỉnh đã ban hành, thực thi nhiều chủ trương như: Quyết định số 2230/QĐ-UBND ngày 28/9/2023 thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 19/6/2023 cải thiện năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Tiền Giang năm 2023;…

Tỉnh cũng đã tổ chức các đoàn đến thăm và làm việc để động viên, ghi nhận đóng góp của doanh nghiệp; tổ chức 02 hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may, thủy sản; tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; phối hợp với VCCI Cần Thơ tổ chức Hội thảo khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn.. . Bên cạnh đó, tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên kết nối với các tổ chức hội doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời nắm bắt tham mưu xử lý, tháo gỡ khó khăn - vướng mắc kịp thời cho cộng đồng kinh doanh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)