BẠC LIÊU

Bạc Liêu nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

16:16:48 | 27/12/2023

Tỉnh Bạc Liêu quyết tâm đổi mới, nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, khác biệt của tỉnh; phát triển thêm sản phẩm du lịch cấp vùng.


Nhà hát Cao Văn Lầu - “Nhà hát nón lá” độc đáo tại Bạc Liêu

Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, với sự quan tâm, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của tỉnh, lĩnh vực du lịch đã phục hồi mạnh mẽ, các chỉ tiêu về du lịch tiếp tục tăng trưởng.

9 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt khoảng 3.136 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch năm, tăng 30% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu nhà hàng - khách sạn ước đạt 1.185 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch năm, tăng 46% so với cùng kỳ. Khách du lịch đạt khoảng 3.655.000 lượt khách, đạt 87% kế hoạch năm, tăng 29% so với cùng kỳ; trong đó có khoảng 1.480.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú, đạt 81% kế hoạch năm, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2022. Khách quốc tế đạt khoảng 82.340 lượt người, khẳng định được vai trò là một trong 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sản phẩm du lịch ngày càng phong phú. Toàn tỉnh có 11 điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long - nhiều nhất so với các địa phương trong Vùng. Nhiều sản phẩm đã tạo thương hiệu riêng và khác biệt, nhất là điện gió trên biển, các điểm du lịch tín ngưỡng; liên kết vùng giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển du lịch bước đầu phát huy hiệu quả.

Từ kết quả và tình hình thực tế, bà Trần Thị Lan Phương cho biết: Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối ngành Du lịch Bạc Liêu với các trung tâm du lịch của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP.Hồ Chí Minh và cả nước để tạo thương hiệu, khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu đa dạng của du khách. Đổi mới, nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, khác biệt của tỉnh; phát triển thêm sản phẩm du lịch cấp vùng. Tăng cường khai thác dịch vụ du lịch; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch tiêu biểu của tỉnh. Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm du lịch; tích cực mời gọi đầu tư, phát triển các khu, tuyến du lịch; khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng các cơ sở du lịch hiện có và triển khai mới các dự án về du lịch, nhất là các dự án về lưu trú, lữ hành, thương mại, vận tải góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh nhà,…

Khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương trong phát triển du lịch; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa, duy trì biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân; thường xuyên tổ chức và đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia, khu vực, trọng tâm là tổ chức thành công Liên hoan Đờn ca tài tử 03 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau lần thứ 17 mở rộng; các hoạt động chào mừng kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu năm 2023,…


Cánh đồng điện gió Bạc Liêu không chỉ là một dự án năng lượng sạch lớn nhất Việt Nam mà còn là điểm đến du lịch nổi tiếng

Để chủ động thích ứng trước những biến động của sự suy thoái kinh tế, tỉnh tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là đối với địa bàn trọng điểm, động lực phát triển du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án về dịch vụ du lịch, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, tập trung đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các dự án quy mô lớn, chất lượng cao.

Một số dự án du lịch trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động như: Khách sạn New Palace, khách sạn Trần Vinh, khu du lịch sinh thái Nhà Mát, khu du lịch sinh thái điện gió Hòa Bình 1, dự án đầu tư hệ thống xe điện du lịch đi đến các điểm du lịch trên địa bàn nội ô thành phố Bạc Liêu,… Đặc biệt, Tập đoàn Vingroup đã triển khai dự án Vincom Shophouse Bạc Liêu với tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn và nhà phố thương mại theo lối kiến trúc tân cổ điển sang trọng và đẳng cấp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phục vụ khách du lịch, đồng thời tạo điểm nhấn nổi bật về mỹ quan đô thị của trung tâm thành phố Bạc Liêu. Từ đó, tạo nên diện mạo mới cho tỉnh và góp phần quan trọng phát triển du lịch, dịch vụ cũng như kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương.

Tỉnh cũng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Bạc Liêu như: Du lịch văn hóa gắn liền với giá trị bất hủ của bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh là trọng điểm thu hút du khách; sản phẩm du lịch xanh tham quan điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển; sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp công nghệ cao; trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, các công trình văn hóa, kiến trúc cổ để xây dựng thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Duy Anh (Vietnam Business Forum)