BẠC LIÊU

Huyện Hồng Dân: Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh

14:32:59 | 27/12/2023

Những năm qua, huyện Hồng Dân đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, khai thác tiềm năng, lợi thế, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.


Ông Nguyễn Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân

Phát huy thế mạnh nông nghiệp

Huyện Hồng Dân nằm ở phía Bắc của tỉnh Bạc Liêu, cách thành phố Bạc Liêu khoảng 60km, với địa hình bằng phẳng, thấp, thuận lợi cho hoạt động sản xuất và canh tác nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa.

Theo số liệu từ năm 2021, huyện Hồng Dân có diện tích gieo trồng lúa hơn 43 ngàn ha và sản lượng lúa hơn 280 ngàn tấn. Ông Nguyễn Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đang tích cực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng toàn diện và bền vững. Đặc biệt là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh mời gọi đầu tư để xây dựng huyện trở thành trung tâm sản xuất lúa chất lượng cao và xuất khẩu gạo của tỉnh Bạc Liêu.

“Song song với việc chuyển dần sang sản xuất lúa chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng, huyện chủ động liên kết sản xuất, chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn. Đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi phương thức, nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc cho nông dân”, ông Nguyễn Văn Thới chia sẻ.

Đặc biệt huyện quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh học, tạo sản phẩm sạch, nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí đầu vào để tăng năng suất, lợi nhuận.


Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, tuyến Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua địa bàn xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu

Cùng với đó, Hồng Dân tiếp tục giữ vững ổn định hai vùng sản xuất gồm vùng ngọt ổn định và vùng chuyển đổi. Đồng thời, mở rộng và phát triển vùng chuyển đổi theo hướng luân canh cây lúa trên diện tích nuôi trồng thủy sản (mô hình tôm - lúa diện tích từ 23.000 - 25.000ha/năm) lấy tôm sú, lúa chất lượng cao và lúa Một bụi đỏ làm trọng tâm. Thay đổi cơ cấu giống lúa phù hợp, quy hoạch vùng sản xuất lúa thương hiệu Một bụi đỏ theo đúng tiêu chuẩn, quy định, đảm bảo uy tín địa phương. Phát triển chỉ dẫn địa lý gạo Một bụi đỏ của huyện; tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đến với các thị trường, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện.

Đối với vùng ngọt ổn định, huyện tập trung phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao với diện tích trên 8.990ha phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Xây dựng 300ha vùng nguyên liệu tập trung sản xuất giống trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của địa phương.

Tạo động lực từ đột phá hạ tầng

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến quý I/2023, tổng vốn xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư trên địa bàn đạt trên 402 tỷ đồng. Các nguồn vốn trên được triển khai đầu tư ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, ưu tiên một số lĩnh vực trọng điểm như giao thông, thủy lợi, lưới điện, cấp nước, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và quốc phòng - an ninh,…

Một số dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo đột phá trong việc cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông của huyện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án, công trình quan trọng như: 25 công trình đường giao thông nông thôn; 23 cây cầu bê tông cốt thép; quy hoạch khép kín hệ thống thủy lợi đối với hai vùng mặn, ngọt; đang triển khai đầu tư nâng cấp, xây dựng các đê, đập, ô đê bao khép kín phù hợp với biến đổi khí hậu.

Kết cấu hạ tầng nông thôn mang diện mạo mới với hàng trăm km đường, cầu nông thôn được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và trao đổi hàng hóa của người dân. Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 507km đường giao thông nông thôn bê tông.


Lãnh đạo Tỉnh ủy – UBND tỉnh kiểm tra mô hình lúa - tôm ở xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân

Kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư; kết cấu hạ tầng đô thị được nâng cấp, mở rộng; thị trấn Ngan Dừa, xã Ninh Quới A được phân loại đô thị loại V; các chợ đầu mối khác như Ba Đình, Cầu Đỏ, Ninh Thạnh Lợi, Ninh Quới đang được quan tâm quy hoạch, đầu tư sửa chữa; các địa điểm nhóm chợ mua bán lẻ của các xã, các ấp cũng được hình thành, từng bước phát triển về quy mô mua bán, góp phần đáng kể trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững theo tinh thần Nghị quyết XIII đã đề ra.

“Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ sẽ góp phần mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương, khu vực kinh tế. Do đó, để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ nay đến năm 2025, Hồng Dân xác định cần phải thực hiện khâu đột phá, đi trước đón đầu là tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo tinh thần Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ”, ông Nguyễn Văn Thới khẳng định.

Huyện sẽ ưu tiên đầu tư công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển hệ thống giao thông nhằm đảm bảo tính kết nối đồng bộ, tập trung đầu tư các công trình quan trọng mang tính đột phá gắn với kết nối, liên kết vùng. Triển khai đúng tiến độ các dự án giao thông để chuyển hướng từ một huyện vùng sâu, vùng xa thành huyện cửa ngõ của tỉnh, là cầu nối liên kết phát triển vùng.

Thời gian tới, Hồng Dân chủ trương thực hiện xã hội hóa, ưu tiên huy động và đa dạng hóa hình thức đầu tư; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, nhà đầu tư tham gia ngày càng nhiều vào việc xây dựng hạ tầng đô thị. Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, Hồng Dân sẽ mang diện mạo mới, tạo bước ngoặt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Với tinh thần cầu thị, huyện Hồng Dân đã và đang xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ và nêu cao khẩu hiệu “luôn đồng hành” cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn gắn với phát triển trạm bơm điện, mạng lưới khuyến nông và phát triển kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác),… Định hướng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là quan hệ đối tác bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp.

Nguồn: Vietnam Business Forum