Ngay từ đầu năm, bám sát Chỉ thị số 01 ngày 17/01/2023 của Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung triển khai thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có ngành thủy sản
Đến cuối quý III/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 29.351 tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2022, so với cùng kỳ tăng 11,57%. Tổng dư nợ cho vay đạt 40.279 tỷ đồng, tăng 3,68% so với đầu năm, so với cùng kỳ tăng 6,65%. Nợ xấu 870 tỷ đồng, chiếm 2,16% tổng dư nợ.
Tình hình cho vay theo các chương trình tín dụng: Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt 16.255 tỷ đồng, chiếm 40,36% tổng dư nợ, tăng 2,03% so với cuối năm 2022; cho vay xuất khẩu dư nợ đạt 3.551 tỷ đồng, chiếm 8,82% tổng dư nợ, tăng 5,26% so với cuối năm 2022, chủ yếu là dư nợ cho vay xuất khẩu tôm nguyên liệu. Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa dư nợ đạt 8.903 tỷ đồng, chiếm 22,10% tổng dư nợ, tăng 3,08% so với cuối năm 2022. Cho vay chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dư nợ cho vay đạt 28,68 tỷ đồng, với 46 khách hàng. Cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP: Doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt 770,61 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 190 tỷ đồng, với số tiền được hỗ trợ lãi suất 4,67 tỷ đồng. Cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đạt 2.843 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,06% trên tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.
Với nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bạc Liêu đã cụ thể hóa để chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cân đối, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân ngay từ đầu năm. Tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên và là động lực tăng trưởng; triển khai các chương trình tín dụng đặc thù, như: Chương trình tuyển dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản;… và các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn. Bám sát các quy định có liên quan về hoạt động cho vay của hội sở chính tổ chức tín dụng để thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng thực hiện các quy trình cho vay, huy động,… không đúng quy trình, quy định. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hiệp hội doanh nghiệp nhằm nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tiết giảm chi phí, để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất tiền gửi, niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của NHNN. Tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Song song với đó, quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo mọi điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Hiện nay, tại đơn vị có 126 bộ thủ tục hành chính và đã thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Duy Anh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI