BẠC LIÊU

Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từ hạ tầng giao thông

10:35:57 | 27/12/2023

Những năm qua, hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh Bạc Liêu đã có những bước phát triển đáng kể, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Quy hoạch giao thông tỉnh Bạc Liêu thể hiện trên bản đồ định hướng phát triển không gian vùng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bạc Liêu hiện có 4.131km đường bộ. Hệ thống giao thông đường bộ cơ bản bao phủ rộng khắp địa bàn tỉnh và phát triển theo hình xương cá, với trục xương sống là các tuyến quốc lộ, còn các tuyến đường tỉnh và đường huyện là các tuyến nhánh. Mạng lưới đường bộ cơ bản kết nối được các trung tâm kinh tế chính trị từ tỉnh đến huyện với tỷ lệ nhựa (cứng) hóa đạt 77,9%. Đường ô tô đã kết nối thông suốt từ trung tâm tỉnh đến các huyện/thị và cơ bản từ trung tâm các huyện/thị đến các phường/xã (hiện toàn tỉnh có 49/49 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đạt 100%). Với mật độ đường bộ đạt khoảng 1,6 km/km2 cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách trên địa bàn tỉnh.

Về đường thủy nội địa, hệ thống sông ngòi, kênh rạch không chỉ kết nối trong tỉnh mà còn kết nối ra biển Đông bằng cửa biển Gành Hào, Nhà Mát và Cái Cùng tạo ra lợi thế lớn cho phát triển hệ thống vận tải bằng cả đường sông và đường biển, tuy nhiên chưa được đầu tư đúng mức nên hiệu quả phát huy chưa cao. Toàn tỉnh có tổng chiều dài các tuyến đường thủy là 600,7km.

Trên địa bàn tỉnh có cảng cá Gành Hào là cảng thủy nội địa với quy mô 1,6ha. Cảng được thiết kế quy mô năng lực 170 lượt tàu ra vào bến/ngày, tiếp nhận cỡ tàu lớn nhất 600 CV, lượng thủy sản qua cảng đạt khoảng 40.000 T/năm. 

Với hệ thống đường thủy hiện có, khối lượng vận tải hàng hóa hàng năm từ 5,5 - 6 triệu tấn, chiếm 33% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn tỉnh, với mức tăng trưởng 6 - 11%/năm; vận chuyển hành khách 11-12 triệu lượt người/năm, với mức tăng trưởng 6 - 10%/năm, chiếm khoảng 9,5% tổng lượng vận chuyển hành khách. Cho thấy, vận tải bằng đường thủy chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Bạc Liêu đang khẩn trương có các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và đường thủy để tăng khả năng kết nối trong liên kết vùng và với các trung tâm kinh tế lớn.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bạc Liêu cho biết: Để tiếp tục thực hiện khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, ngành Giao thông Vận tải đang, sẽ tham mưu các kế hoạch và giải pháp như: Tổ chức triển khai thực hiện tốt hợp phần giao thông trong Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt. Tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư các công trình giao thông huyết mạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng với các trung tâm kinh tế lớn (TP.Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh) và ngược lại.

Hiện nay, tỉnh tranh thủ nguồn vốn Trung ương để đầu tư các tuyến cao tốc, quốc lộ qua địa bàn theo quy hoạch. Ưu tiên vốn ngân sách đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh đang khai thác kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường ven biển. Tranh thủ các nguồn vốn viện trợ, vốn vay để đầu tư Dự án đường ven biển đoạn qua tỉnh Bạc Liêu và đoạn nhánh kết nối với đường Nam sông Hậu. Tích cực mời gọi đầu tư xây dựng mới các tuyến đường giao thông huyết mạch, cảng, bến theo quy hoạch như: Cầu Xóm Lung và đường Xóm Lung – Cái Cùng, cầu Bạc Liêu 5, cảng Gành Hào, bến xe Bạc liêu, bến xe Gành Hào,…

Sở cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan triển khai đúng tiến độ các dự án do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư như: Xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đường Hồ Chí Minh, mở rộng nâng cấp Quốc lộ IA ( đoạn qua tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau), nâng cấp đường Nam sông Hậu (đoạn qua địa bàn tỉnh),... Rà soát xác định danh mục, lập đề xuất chủ trương đầu tư các công trình giao thông quan trọng, huyết mạch để tham mưu cho UBND tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025 - 2030. Ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông để duy trì điều kiện khai thác ổn định, đảm bảo giao thông an toàn thông suốt; kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại để bảo vệ tốt kết cấu hạ tầng giao thông.

Tăng tính liên kết

Về đường bộ, hiện nay các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang liên kết giao thông đường bộ chủ yếu thông qua các tuyến đường quốc lộ như : Quốc lộ I, Quản Lộ -  Phụng Hiệp, Nam sông Hậu, quốc lộ 61, quốc lộ 63, ĐT.976 (Bạc liêu – Hưng Thành kết nối với tỉnh Sóc Trăng), ĐT.978C (kết nối với tỉnh Hậu Giang qua cầu Xẻo Vẹt) và liên kết đường thuỷ nội địa thông qua sông Gành Hào, kênh Bạc Liêu – Cà Mau, kênh Quản Lộ -  Phụng Hiệp.

Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết: Thời gian tới, Bạc Liêu sẽ tập trung khai thác để tăng tính liên kết vùng thông qua các tuyến đường bộ do Trung ương đầu tư như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, đường Hồ Chí Minh (đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận) và các tuyến quốc lộ 61B, 63B, đường ven biển và kết nối thông qua một số tuyến đường tỉnh do địa phương đầu tư như ĐT.979 (đầu tư thêm cầu Ba Đình kết nối với tỉnh Kiên Giang). Ngoài ra tỉnh sẽ đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh kết nối với quốc lộ, cao tốc để tăng tính kết nối giao thông với các tỉnh như tuyến ĐT.976 (Bạc Liêu – Hưng Thành) kết nối với  tỉnh Sóc Trăng, tuyến ĐT.980 Gành Hào - Giá Rai – Phó Sinh – Cạnh Đền ( đoạn Giá Rai – Phó Sinh) kết nối tỉnh Kiên Giang, tuyến ĐT.981 Hộ Phòng – Chủ Chí kết nối tỉnh Cà Mau.

Về đường thủy: Các trục đường thủy quốc gia quan trọng trên địa bàn tỉnh như tuyến sông Bạc Liêu - Cà Mau, tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, sông Gành Hào, kênh Gành Hào – Hộ Phòng và các tuyến kênh trục ngang của địa phương như: Giá Rai – Phó Sinh, Hộ phòng – Chủ Chí, Cầu Sập – Ngan Dừa,… Có  5 cửa  thông ra biển với chiều dài bờ biển 56km. Có 01 cảng biển nhóm V là cảng tổng hợp với quy mô cho tàu 5.000 tấn cập bến, được quy hoạch tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (cảng biển Gành Hào).

“Thời gian tới, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư nạo vét các tuyến vận tải thủy nội địa nhằm tăng cường năng lực khai thác, kết nối với tuyến hành lang vận tải thủy ven biển. Đồng thời tích cực mời gọi đầu tư cảng biển Gành Hào, các bến thủy nội địa và kho hàng theo quy hoạch dọc theo kênh Bạc Liêu – Cà Mau để thu gom, tiếp nhận hàng hóa, trung chuyển theo tuyến hành lang vận tải thủy ven biển đến các tỉnh trong khu vực và TP.Hồ Chí Minh cũng như cảng Trần Đề trong tương lai và ngược lại”, ông Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm.

Bích Hạnh (Vietnam Business Forum)