Đông Hải là huyện có đường bờ biển dài nhất tỉnh Bạc Liêu (23km) đồng thời có vị trí chiến lược tọa lạc tại cửa sông Gành Hào - vịnh biển nước sâu với tổng giá trị gia tăng kinh tế của huyện lên đến 14.350 tỷ đồng. Kinh tế biển được xác định là mũi nhọn của nền kinh tế huyện.
Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải |
Tập trung khai thác tiềm năng kinh tế biển
Kinh tế huyện Đông Hải chủ yếu dựa vào biển. Người dân Đông Hải có truyền thống làm muối và nuôi trồng, khai thác thủy sản. Năm 2011, toàn huyện Đông Hải có 573 phương tiện khai thác thủy hải sản, trong đó 232 chiếc đủ khả năng đánh bắt xa bờ với sản lượng hàng năm trung bình trên 40.000 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 38.457ha, chiếm 67,5% diện tích tự nhiên với sản lượng trung bình hàng năm trên 40.000 tấn.
Đông Hải là huyện sản xuất muối lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, là nơi cung cấp muối nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất trong và ngoài tỉnh. Toàn huyện có hơn 2.188ha diện tích sản xuất muối, chiếm 3,8% diện tích tự nhiên. Tổng diện tích rừng trong toàn huyện là 2.308ha, chiếm 4,1% diện tích tự nhiên. Rừng Đông Hải ít có giá trị về khai thác gỗ song có vai trò quan trọng là chức năng phòng hộ vì đây là rừng ven biển, ở vùng biển bị xói lở, chắn sóng,... và bảo vệ môi trường sinh thái, có vai trò trong kết hợp nuôi trồng thủy sản. Ngoài thế mạnh khai thác, nuôi trồng thủy sản, huyện có khu vực trồng lúa tập trung tại 02 xã Long Điền Đông và Long Điền Đông A với diện tích 948ha.
Về thương mại - dịch vụ, toàn huyện hiện có 4.086 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ; 11 hợp tác xã với 1.933 xã viên, tổng vốn điều lệ khoảng 3,6 tỷ đồng, hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh chủ yếu: Nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ,...
Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, huyện có 1.291 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề chính như: Sản xuất nước đá, sửa chữa cơ khí, chế biến các mặt hàng thủy sản, chế biến lương thực - thực phẩm, sản xuất muối, gia công cơ khí,... Hầu hết các cơ sở này sản xuất kinh doanh hiệu quả, tuy nhiên về quy mô và mức độ đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chủ yếu là gia công, chế biến thô sơ, chưa có nền công nghiệp hiện đại.
Cơ cấu kinh tế của huyện Đông Hải hiện là: Nông - lâm - ngư nghiệp: 62%; Công nghiệp và xây dựng: 16%; Thương mại - Dịch vụ: 22%, tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân hằng năm tăng trên 10%.
Với lợi thế về vị trí địa lý, khả năng kết nối tốt cả về đường bộ, đường sông và đường biển, Đông Hải được đánh giá có tiềm năng phát triển kinh tế. Những năm qua, Đông Hải từng bước khẳng định vị thế một trong những huyện thu hút đầu tư lớn nhất không chỉ của tỉnh mà còn trên toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế huyện Đông Hải
Động lực từ hạ tầng
Đông Hải đang đứng trước cơ hội lớn khi cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dự kiến được đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026 sẽ góp phần thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Tuyến cao tốc bắt đầu từ TP.Hà Tiên đến TP.Rạch Giá (Kiên Giang), đi qua huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Thạnh Trị (Sóc Trăng) và điểm cuối tại Bạc Liêu giúp kết nối các tuyến huyện trọng điểm kinh tế như thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải. Quy mô giai đoạn 1 tuyến đường dài 225km, rộng 17m, gồm bốn làn xe với vận tốc 80 km/h, có dải phân cách ở giữa,...
Theo các chuyên gia, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển giao thông tại miền Tây, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần hoàn thiện, hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ; kết nối giữa các vùng và dễ dàng kết nối đến nước bạn Campuchia cũng như một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á.
Với định hướng kết nối kinh tế giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, UBND tỉnh Cà Mau và thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) đã gấp rút triển khai thi công cầu giao thông nối huyện Đầm Dơi (Cà Mau) với thị trấn Gành Hào, kết nối trực tiếp với tuyến cao tốc nói trên, dự kiến tổng mức đầu tư lên đến 650 tỷ đồng. Đây cũng là điểm nhấn không chỉ giúp huyện Đông Hải thu hút đầu tư mà còn thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế cho toàn vùng.
Huyện Đông Hải với vị trí chiến lược tọa lạc tại cửa sông Gành Hào - vịnh biển nước sâu với tổng giá trị gia tăng kinh tế của huyện lên đến 14.350 tỷ đồng. Huyện đặc biệt tập trung vào mũi nhọn kinh tế biển theo định hướng của Chính phủ.
Thi công dự án ngoài khơi
Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi
Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, công tác thu hút vốn đầu tư được Huyện ủy và UBND huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
“Trên địa bàn huyện Đông Hải có rất nhiều công trình, dự án trọng điểm được đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng. Tiêu biểu như: Công ty năng lượng Bắc Phương đầu tư Dự án điện gió 1 tại xã Long Điền Đông; có 4 doanh nghiệp đã và đang thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm; 2 dự án khu nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ tại thị trấn Gành Hào và nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng sản xuất, đầu tư mới trên lĩnh vực sản xuất giống thủy sản và kinh doanh thủy hải sản”, ông Trần Tuấn Kiệt chia sẻ.
Để tạo thêm động lực mới trong công tác thu hút đầu tư, thời gian tới huyện Đông Hải tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; đào tạo nguồn nhân lực; kêu gọi đầu tư các lĩnh vực phát triển kinh tế biển, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ. Song song đó, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thân thiện, thu hút các nhà đầu tư.
Viết Huynh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI