Cục Thuế tỉnh Bình Thuận triển khai nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước cũng như địa phương có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Tuy nhiên được sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự đồng thuận, chia sẻ rất lớn từ đại bộ phận doanh nghiệp cùng nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ - công chức ngành Thuế nên tình hình thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần khơi thông nguồn lực tài chính, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Điểm sáng đáng ghi nhận
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023, ngay từ đầu năm ngành Thuế Bình Thuận đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, tăng cường công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh bất động sản, đôn đốc, thu hồi nợ thuế, đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế góp phần tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội. Nhờ đó kết quả thu nội địa từ đầu năm đến nay đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể thu nội địa 11 tháng năm 2023 đạt 8.370 tỷ đồng, bằng 97,26% dự toán (8.606 tỷ đồng). Trong đó có 09/18 khoản thu, sắc thuế đạt và vượt dự toán toán; 7/18 khoản thu, sắc thuế chưa đạt dự toán; 2/18 khoản thu, sắc thuế không giao dự toán và không có phát sinh số thu.
Bà Trần Thị Diệu Hoàng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận
Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh hàng loạt giải pháp số hóa mới trong công tác quản lý, hướng đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, mang lại tiện ích tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NNT. Điển hình phải kể đến việc áp dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, hóa đơn đối với kinh doanh xăng dầu… góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế theo Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 24/11/2023 của Bộ Tài chính. Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 30/11/2023, cơ quan thuế đã xử lý đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử cho 834 NNT (trong đó có 675 doanh nghiệp, tổ chức và 159 Hộ kinh doanh). Để đồng hành cùng NNT trong quá trình tháo gỡ khó khăn, giúp NNT trong sản xuất kinh doanh, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ giải quyết hóa đơn theo lần phát sinh cho 92.736 hóa đơn. Song song đó ngành Thuế cũng đẩy mạnh triển khai Chương trình "Hóa đơn may mắn", hướng tới mục tiêu tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, khuyến khích người mua lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ để bảo vệ lợi ích của chính người tiêu dùng.
Theo ghi nhận của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận – Bà Trần Thị Diệu Hoàng, bước đầu việc sử dụng hoá đơn điện tử đã mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (tiết kiệm thời gian, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy…) cũng như cho cơ quan quản lý nhà nước, góp phần khắc phục tình trạng gian lận trong sử dụng hóa đơn để thu lợi bất chính gây thất thu NSNN, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tiết kiệm chi phí xã hội.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, NNT vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Đầu tiên là khó khăn trong việc kết nối hệ thống giữa phần mềm hóa đơn điện tử với phần mềm bán hàng và phần mềm kế toán của doanh nghiệp để thuận lợi cho việc sử dụng hóa đơn điện tử. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải tốn nhiều chi phí để đào tạo, bồi dưỡng nhân sự.
Một bất cập nữa là hiện nay trên địa bàn tỉnh hộ kinh doanh chủ yếu là nhỏ lẻ, còn hạn chế về năng lực quản lý, việc ghi chép sổ sách kế toán và hạ tầng công nghệ thông tin chưa sẵn sàng,... Một số khó khăn liên quan đến thói quen và nhận thức của người dân cho rằng hóa đơn đồng nghĩa với chứng từ giấy; trong khi đó hóa đơn điện tử chưa được nhiều người biết đến nên khi xuất cho khách hàng, các doanh nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích cho khách hàng hiểu thế nào là hóa đơn điện tử và tính pháp lý của hóa đơn này. Ngoài ra trong quá trình quản lý thuế cũng ghi nhận nhiều vướng mắc: NNT còn lúng túng trong xử lý hóa đơn sai sót; các đơn vị phát sinh nhiều dịch vụ thu phí trong một ngày gặp khó khăn việc xuất hóa đơn có mã của cơ quan thuế phải thực hiện trong ngày dẫn đến những trường hợp có những giao dịch diễn ra vào cuối ngày thì sẽ không thể lập hóa đơn kịp trong ngày,…
Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sử dụng hoá đơn điện tử, Cục Thuế khẩn trương tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 19/4/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 1234/QĐ-UBND ngày 24/5/2022 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm và sự quan tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, hỗ trợ NNT kịp thời, tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng khi triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Thành lập các tổ xử lý vấn đề tại từng bộ phận chức năng, khi nhận được phản ánh thông qua đường dây nóng đều được cán bộ thuế phân công hỗ trợ giải đáp và hướng dẫn, chính vì vậy mà các doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi hóa đơn điện tử cũng trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra Cục Thuế Bình Thuận còn phối hợp với Hội tư vấn thuế Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử tổ chức nhiều cuộc Hội nghị, tập huấn qua hình thức trực tuyến và trực tiếp hướng dẫn cụ thể, chi tiết đến các tổ chức, doanh nghiệp các bước chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và các thao tác lập, sử dụng hóa đơn điện tử; mọi vướng mắc, khó khăn của NNT đều được giải đáp và tháo gỡ ngay. "Gần đây nhất ngày 30/11/2023, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành Công văn số 8438/CTBTH-KTNB đẩy mạnh triển khai Công điện 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 04/CT-BTH ngày 24/11/2023 của Bộ Tài chính, Công văn số 6068/VP-TH ngày 28/11/2023 của Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong ngành Thuế" – Bà Trần Thị Diệu Hoàng cho hay
Quyết tâm vượt khó, hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024
Bước sang năm 2024, ngành Thuế tỉnh Bình Thuận tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành; sự đồng thuận và chia sẻ rất lớn từ đại bộ phận doanh nghiệp. Cùng với đó là kỳ vọng nền kinh tế sẽ bớt khó khăn hơn; các vướng mắc về cơ chế quản lý nhà nước về đất đai được tháo gỡ; kết cấu hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư; các quy hoạch trên địa bàn tỉnh được phê duyệt, chồng lấn quy hoạch từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà
Năm 2024 cũng là năm có ý nghĩa quan trọng, cần phải tạo được những bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Dự báo tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và quy mô kinh tế của tỉnh còn thấp; nguồn thu của tỉnh còn nhỏ, lẻ, thiếu ổn định; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục có những diễn biến bất thường, cực đoan; các nguồn thu lớn của Bình Thuận từ thị trường bất động sản cho đến tiền sử dụng đất hiện nay đều giảm mạnh...sẽ tạo áp lực lớn cho ngành Thuế trong công tác thu ngân sách năm 2024. Mặt khác, các chính sách miễn giảm, giãn thuế ban hành trong năm 2023 và những chính sách được Nhà nước ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong năm 2024 cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu năm 2024.
Do đó để đảm bảo hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2024, ngay từ đầu năm ngành Thuế Bình Thuận sẽ nỗ lực khắc phục những khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2024 được Bộ Tài chính, HĐND và UBND tỉnh giao. Bằng những giải pháp thiết thực ngành thuế sẽ đẩy mạnh các biện pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, nhất là chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới trong điều kiện phát triển kinh tế số, giao dịch điện tử; nâng cao công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT; đẩy mạnh kiểm tra thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng, kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế; đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đổi mới phương pháp làm việc, củng cố và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ theo tuyên ngôn của ngành thuế "Minh bạch, chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới".
Công Luận (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI