HÀ NỘI

VNPT góp phần cùng Thủ đô chuyển đổi số toàn diện

14:32:44 | 25/3/2024

Với mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, thời gian qua, bám sát các nhiệm vụ chính trị của Thành phố, kế hoạch của ngành Thông tin và Truyền thông, VNPT Hà Nội đã nỗ lực xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể với những nội dung cốt lõi, trọng tâm, trọng điểm. Qua đó khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt chuyển đổi số (CĐS), góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.


Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh và lãnh đạo Tập đoàn VNPT khai trương các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung TP.Hà Nội

Hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin vững mạnh

Với vai trò là nhà cung cấp hàng đầu về viễn thông - công nghệ thông tin (VT- CNTT), VNPT Hà Nội đã tập trung đầu tư về công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực; triển khai các biện pháp đảm bảo hạ tầng thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp.

Trong 3 năm gần đây, VNPT Hà Nội đã đầu tư thêm 1.200 trạm BTS, nâng tổng số trạm BTS hiện nay là 4.500 trạm, phủ sóng cơ bản toàn bộ địa bàn Thành phố. Lưu lượng di động 4G từ cuối năm 2020 đến nay tăng gấp 3 lần. Về hạ tầng mạng cố định, trên toàn Thành phố có khoảng 3.400km cống bể để đi cáp, số lượng km cáp quang hiện khoảng 45.000km. Mạng WAN nối từ Thành phố đến tất cả các phường, xã đã được triển khai, là nền tảng quan trọng phục vụ các yêu cầu họp trực tuyến, hội nghị truyền hình, điều hành của các cấp chính quyền.

Về hạ tầng dữ liệu, bên cạnh những trung tâm dữ liệu đã triển khai, tháng 10/2023, VNPT Hà Nội đã khai trương 01 Trung tâm dữ liệu (DIC) hiện đại nhất khu vực tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Việc khai trương IDC Hòa Lạc là minh chứng cho khát vọng của VNPT nói chung và VNPT Hà Nội nói riêng trong việc đồng hành cùng Chính phủ xây dựng hạ tầng số hiện đại, đạt chuẩn quốc tế để dữ liệu Việt Nam được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam theo định hướng của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông.


Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VNPT Hà Nội với Hanoitourist

Không chỉ đẩy mạnh phát triển hạ tầng VT - CNTT, VNPT Hà Nội còn chủ động tham gia các chương trình CĐS của Thành phố; xây dựng nền tảng CĐS dịch vụ y tế, giáo dục,… Cung cấp các dịch vụ số, tiện ích số cho hộ gia đình và khách hàng cá nhân. Cung cấp các giải pháp quản trị số cho doanh nghiệp thực hiện số hóa công cụ sản xuất và khai thác dữ liệu, số hóa quá trình thanh toán/tương tác của người dân. Đồng thời đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc truyền thông, phổ biến kỹ năng số cơ bản cho người dân, tổ chức.

Năm 2023, trong lễ khai trương các phần mềm dùng chung cho toàn TP.Hà Nội, VNPT đã tham gia đóng góp 02 sản phẩm là hệ thống văn bản điều hành tập trung của Thành phố và hệ thống báo cáo tình hình kinh tế - xã hội nói chung. Ngoài ra còn có các nền tảng khác như: Cơ sở dữ liệu về công chức, viên chức với 140.000 hồ sơ được số hóa, tích hợp lên cổng công chức, viên chức của Sở Nội vụ và có phần mềm khai thác tại Hà Nội.

Qua đó, góp phần hỗ trợ Thành phố xây dựng nền tảng hạ tầng số mạnh mẽ, hệ sinh thái số phong phú đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chính quyền điện tử.

Đồng hành cùng Thủ đô CĐS toàn diện

Ngày 30/12/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về CĐS, xây dựng TP.Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 thực hiện CĐS phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS.

Đồng hành cùng chính quyền Thủ đô, ông Lương Cao Chí - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc VNPT Hà Nội, Trưởng đại diện VNPT địa bàn Hà Nội chia sẻ: Năm 2024, VNPT đặt mục tiêu đồng hành cùng các quận, huyện thực hiện CĐS toàn diện. Đẩy mạnh phát triển chính quyền số; hạ tầng số bảo đảm điều kiện phục vụ các nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động CĐS khác. Phát triển kinh tế số, xã hội số, tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.


Trụ sở chính VNPT Hà Nội trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm

Đơn vị tiếp tục xác định phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số là những dịch vụ trọng tâm, trên cơ sở đó ban hành kế hoạch, chương trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, dịch vụ công nghệ thông tin được ưu tiên phát triển ở khối khách hàng tổ chức, doanh nghiệp và hợp tác với các cơ quan thành phố. Việc xây dựng mạng lưới và dịch vụ bám sát nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả và lấy khách hàng làm trung tâm.

Với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đơn vị sử dụng hiệu quả hệ thống quản trị ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng suất lao động; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng nhân sự,... Qua đó, khẳng định vai trò là đơn vị chủ lực về cung cấp các dịch vụ VT - CNTT, hạ tầng số, dịch vụ số góp phần xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh.

Đánh giá về môi trường đầu tư tại Hà Nội, ông Lương Cao Chí cho biết: Hà Nội là thị trường vô cùng hấp dẫn nhưng cũng có nhiều cạnh tranh. Những năm gần đây, lãnh đạo Thành phố đã có những thay đổi lớn trong đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

“VNPT sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm dịch vụ số theo mô hình hệ sinh thái gắn với hạ tầng, nền tảng số chất lượng cao, có khả năng đáp ứng đa kết nối, tích tụ dữ liệu lớn và bảo đảm an toàn, an ninh mạng để phục vụ công tác CĐS của chính quyền Thủ đô. Với sự đồng hành, chung sức của VNPT nói chung và VNPT Hà Nội nói riêng sẽ góp phần đưa TP.Hà Nội là đơn vị đi đầu cả nước về CĐS, có thứ hạng cao theo các Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, phát triển theo hướng hiện đại, văn minh”, ông Lương Cao Chí nhấn mạnh.

Duy Anh (Vietnam Business Forum)