BẮC GIANG

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả và bền vững

09:27:24 | 17/4/2024

Nhờ các giải pháp linh hoạt, hiệu quả trong công tác đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bắc Giang những năm gần đây từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN). Đây cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.


Ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang; bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN thuộc Bộ Lao động - TB&XH trao cờ và tặng hoa cho các tập thể đạt giải toàn đoàn tại Hội giảng.

Ông đánh giá thế nào về công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Bắc Giang thời gian qua?

Ngày 8/10/2020, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND về đào tạo nghề và các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Sau 03 năm triển khai thực hiện, kết quả công tác GDNN trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đến nay, tổng số cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN đã được tinh gọn còn 32 cơ sở, giảm 09 cơ sở so với năm 2020. Trong đó, trường cao đẳng tăng từ 02 lên 05 cơ sở; 05 trường trung cấp, giảm 03 cơ sở; 15 trung tâm GDNN và 07 cơ sở hoạt động GDNN, giảm 09 cơ sở. Mạng lưới cơ sở GDNN được phân bố trên tất cả địa bàn các huyện, thành phố, bảo đảm mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 cơ sở GDNN công lập.

Tổng số tuyển sinh các trình độ tại các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN và DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 là 87.344 người, đạt 101,3% so với kế hoạch. Trong đó, cao đẳng 4.966 người; trung cấp 14.047 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên 68.331 người.

Kết quả tuyển sinh các trình độ của các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN, DN giai đoạn 2021 - 2023 đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 70% năm 2020 lên 76% năm 2023 (đạt 100% kế hoạch năm); tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33% (cả nước đạt 27% năm 2022), vượt 10,5% so với kế hoạch đề ra (22,5%).

Cùng với phát triển hệ thống cơ sở GDNN, việc liên kết với DN trong đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vấn đề này được Bắc Giang chú trọng ra sao?

Những năm gần đây, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên, đặc biệt có sự tham gia tích cực, hiệu quả của các DN. Cơ cấu ngành nghề đào tạo đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nổi bật đã chuyển hướng mạnh đào tạo từ cung sang cầu thị trường lao động. 100% cơ sở GDNN trên địa bàn hợp tác với các DN hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề phù hợp để xây dựng chương trình đào tạo; đánh giá chất lượng đào tạo và điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp, từng bước đáp ứng yêu cầu theo vị trí việc làm của DN. Một số cơ sở GDNN như: Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang,… đã tích cực phát triển, nhân rộng các hoạt động hợp tác với DN như: Xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo lại; đào tạo nghề cho người lao động theo nhu cầu DN; tổ chức thực hành, thực tập tại DN,…

Các cơ sở GDNN còn đẩy mạnh hợp tác đào tạo theo mô hình tìm kiếm học bổng của DN cho người học; mô hình hợp tác xúc tiến đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết đào tạo nghề May thời trang,… Các mô hình này vừa đáp ứng được nhu cầu của DN có lao động được đào tạo bài bản, vừa giải quyết việc làm cho người học sau đào tạo. Khuyến khích, hỗ trợ người học còn khó khăn về kinh tế được học nghề, nâng cao tay nghề và có cơ hội phát triển cao hơn.

Nhờ vậy, những năm qua, trên 85% học sinh trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên có việc làm; 92 - 95% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trình độ cao đẳng, trung cấp được DN tuyển dụng, bố trí vào vị trí phù hợp, đáp ứng nhu cầu của DN và thị trường lao động.

Bắc Giang là địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp, Chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh luôn xếp hạng cao những năm gần đây. Để duy trì ổn định thứ hạng trên, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ triển khai thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định, nâng cao chất lượng dạy nghề là 1 trong 6 định hướng phát triển nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bắc Giang coi công tác GDNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022, Chỉ số Đào tạo lao động trong Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Giang đạt 6,80 điểm, xếp thứ 5 toàn quốc. Năm 2023, tỉnh phấn đấu nâng điểm Chỉ số Đào tạo lao động đạt trên hoặc bằng 6,85 điểm.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó có đào tạo nghề, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động hoạch định, gắn kết công tác GDNN với nhu cầu thị trường. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 20-KH/TU ngày 09/6/2021 của Tỉnh ủy về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; Kế hoạch số 294/KH-UBND ngày 08/10/2020 của UBND tỉnh về đào tạo nghề và các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 61/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ GDNN giai đoạn 2021 - 2025.

Chỉ đạo các cơ sở GDNN đổi mới, nâng cao chất lượng; phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện có hiệu quả Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giai đoạn 2019 - 2025. Định kỳ tổ chức đối thoại với các DN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về lao động.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng tổ chức định kỳ các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm nhằm hỗ trợ các DN tuyển dụng lao động. Thường xuyên tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động của DN, thông tin để người lao động nắm được nhằm kết nối cung - cầu lao động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Trang (Vietnam Business Forum)