HỒ CHÍ MINH

Các khu công nghiệp Tp.Hồ Chí Minh: Đòn bẩy cho phát triển công

15:25:44 | 26/4/2010

Là nơi đầu tiên thử nghiệm mô hình khu chế xuất (KCX) ở Việt Nam, sau 18 năm phát triển, các khu công nghiệp (KCN), KCX ở Tp.HCM đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, tạo nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Số lượng các dự án đầu tư và vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các KCX, KCN liên tục tăng qua các năm, thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư về một địa bàn đầu tư có nhiều ưu đãi và thuận lợi đặc thù.

Đến nay trên địa bàn toàn Thành phố có 16 KCX, KCN được thành lập với diện tích đất đã thực hiện 3.614,23ha; trong đó có 13 KCN, KCX đi vào hoạt động với diện tích đất thương phẩm đã cho thuê là 1.165,26ha/1.609,95ha đất thương phẩm được phép cho thuê, đạt tỷ lệ lấp đầy 72%; 2 KCN đang triển khai hạ tầng (KCN Phong Phú, KCN Đông Nam) và 1 KCN đang làm quy hoạch. Đên hết tháng 12/2009, các KCX, KCN thu hút được 1.168 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5,4 tỷ USD. Sự phát triển của các KCK, KCN Tp.HCM thời gian qua đã tạo động lực cho phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Nếu như những năm đầu thành lập, các KCX, KCN Tp.HCM chủ yếu thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ và lĩnh vực hoạt động thuộc các loại công nghệ thâm dụng lao động hay sử dụng nguồn nguyên liệu dễ tìm trên thị trường như dệt may, lắp ráp điện tử (chủ yếu là gia công)...thì những năm sau này, thành phố đã có sự chuyển hướng trong việc tuyển chọn các nhà đầu tư theo hướng kêu gọi đầu tư vào những ngành nghề có hàm lượng chất xám, trình độ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại hơn. Qua đó, các KCX, KCN trên địa bàn đã thu hút 473 dự án đầu tư nước ngoài, chiếm 40% tổng số dự án với vốn đầu tư là 2,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 58% tổng vốn đầu tư vào các KCX, KCN và chiếm 10% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố. Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghiệp, trong đó cơ cấu các ngành nghề chiếm tỷ trọng vốn đầu tư cao nhất so với tổng vốn đầu tư đăng kí là: cơ khí 28%, điện – điện tử 19%, hóa dược – nhựa cao su cao cấp 15%, dịch vụ 13%, thực phẩm chế biến tinh 12,8%, dệt may 10% ...

Không chỉ dừng lại ở đó, công nghệ máy móc thiết bị sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong các KCX-KCN đã đạt trình độ cao, hiện đại và đồng bộ. Từ sau năm 2000, công nghệ mới và hiện đại được ào ạt du nhập vào KCN, KCX, nhất là trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao, tự động hóa như: cơ khí chính xác, sản xuất con chíp, sensor phần mềm điện toán, nghiên cứu và phát triển…

Bên cạnh đó, các KCX, KCN cũng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước với 695 dự án, chiếm 60% tổng số dự án trong các KCX, KCN với tổng vốn đầu tư tương đương 1,98 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 42% tổng vốn đầu tư vào các KCX, KCN. Các doanh nghiệp trong các KCX, KCN luôn được Ban quản lý các KCX, KCN Tp.HCM (HEPZA) tạo những thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó tạo nên những sản phẩm chất lượng cao, giá thành có khả năng cạnh tranh được với hàng cùng loại của nước ngoài.

Một thành tựu khá quan trọng trong 18 năm hình thành và phát triển các KCX, KCN Tp.HCM là kim ngạch xuất khẩu của các KCX, KCN đã tăng lên nhanh chóng. Từ khi thành lập đến nay, kim ngạch xuất khẩu từ các KCX, KCN Thành phố lũy kế đạt 19,982 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 14% kim ngạch xuất khẩu của thành phố và tỷ trọng này không ngừng tăng lên qua các năm, tạo nguồn ngoại tệ khá lớn và góp phần gia tăng GDP của Thành phố. Đặc biệt các doanh nghiệp trong các KCX, KCN đã có thị trường xuất khẩu khá ổn định và giàu tiềm năng như: Nhật, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, EU... Ngoài ra, các KCK, KCN Thành phố cũng đã thu hút trên 249.812 lao động, không kể số lao động bên ngoài KCX, KCN của các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho KCX, KCN; góp phần giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập ổn định đời sống nhân dân.

Chuỗi KCX, KCN vẫn còn đang tiếp tục mở rộng, với trình độ công nghệ tiên tiến và trình độ quản trị doanh nghiệp hiện đại, đã tạo thành đòn bẩy cho sự phát triển công nghiệp của khu vực Nam Bộ và cả nước. Đó còn là sự cộng hưởng giữa nhà đầu tư với thị trường nội địa, giữa thị trường nội địa với các nhà đầu tư trong KCX, KCN tạo thành lợi thế so sánh trong cạnh tranh trên thị trường quốc tế và hội nhập kinh tế.

Trang Thảo