Biển Hồ - “Mắt ngọc” trên cao nguyên xanh
Biển Hồ hay còn gọi là Hồ Tơnưng (Ia Nueng) cách trung tâm thành phố Pleiku 6 km về hướng Bắc, gần quốc lộ 14.
Biển Hồ là dấu tích một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm, có diện tích mặt nước khoảng 250ha, độ sâu trung bình từ 20 - 40m. Biển Hồ như một viên ngọc bích giữa núi rừng Tây Nguyên. Vẻ đẹp huyền bí của hồ Tơnưng còn gắn liền với những di chỉ khảo cổ học được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh, là bằng chứng chứng minh lịch sử lâu đời của mảnh đất Gia Lai. Năm 1988, Biển Hồ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng Di tích danh thắng cấp quốc gia.
Hồ Ayun Hạ - Nơi du thuyền lý tưởng
Hồ Ayun Hạ nằm trên địa bàn 2 huyện Phú Thiện và Chư Sê, cách Tp. Pleiku 70km về phía Tây. Hồ Ayun Hạ hình thành khi dòng sông Ayun được chặn lại để khởi công xây dựng công trình thủy lợi Ayun Hạ vào đầu năm 1994.
Hồ Ayun Hạ cung cấp nước tưới cho13.500ha đất canh tác và mang lại nguồn lợi lớn từ thủy sản, đem đến cuộc sống ổn định, no đủ cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Hồ Ayun Hạ còn là nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí… Vào các ngày lễ, Tết, khách tham quan thường đến đây tham gia vào các trò chơi thể thao dưới nước, du ngoạn quanh hồ. Đến với hồ Ayun Hạ, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thơ mộng, ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ và hít thở không khí trong lành.
Thác chín tầng
Cách thành phố Pleiku 20 km, thuộc xã Ia Sao, huyện Iagrai, Thác Chín Tầng là dòng thác lớn bắt nguồn từ trên đỉnh núi cao đổ xuống, với dòng chảy mạnh quyện vào vách đá tạo nên âm thanh vang vọng giữa núi rừng. Không biết tự bao giờ, thiên nhiên đã tôn tạo nên vẻ đẹp hiếm có này. Dọc theo dòng thác là những vách đá ghồ ghề, phân cấp chín tầng cao thấp khác nhau, riêng 2 tầng cuối cùng độ cao khoảng 10-15m dựng đứng tạo nên dòng chảy mạnh, nước cuộn xoáy. Xung quanh thác là hệ sinh thái rừng còn nguyên sơ, góp phần tạo nên vẽ hoang dã và hùng vĩ của thác. Thác Chín tầng là điểm dã ngoại lý tưởng, trong những năm qua đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ trong những dịp nghỉ Lễ, cuối tuần…
Khám phá vẻ đẹp của đồi thông Hà Tam
Đồi thông Hà Tam, thuộc xã Hà Tam huyện Đăk Pơ, cách quốc lộ 19 khoảng 5km, nằm ở độ cao trung bình 1.150m so với mực nước biển, Đồi thông Hà Tam như một phiên bản rừng thông Đà Lạt. Đến đây, du khách mới thấy hết sức sống mãnh liệt của rừng thông, đặc biệt một số cây thông rất nhiều năm tuổi, đường kính từ 1m đến 1,5m khoảng 5 người ôm mới xuể. Dọc đường lên đỉnh đồi thông, du khách còn được thư giãn bên dòng thác mát lạnh giữa rừng thông xanh bạt ngàn.
Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Gia Lai, rừng thông Hà Tam sẽ được quy hoạch đầu tư thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cấp quốc gia, tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tỉnh.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
Cách thành phố Pleiku 50km về phía Đông Bắc, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm trên diện tích: 41.780ha, thuộc các huyện KBang, huyện Mang Yang, huyện Đắc Đoa. Do đặc điểm đa dạng về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng nên vườn quốc gia Kon Ka Kinh có nguồn động, thực vật khá phong phú, đa dạng về thành phần và chủng loại. Theo thống kê, vườn quốc gia Kon Ka Kinh có 687 loài thực vật và 428 loài động vật. Trong đó, nhiều loài động vật quý hiếm có giá trị bảo tồn và có tên trong sách đỏ thế giới và Việt
Cùng với khí hậu mát mẻ, không khí trong lành và dễ chịu, vườn quốc gia Kon Ka Kinh sẽ là nơi tham quan, nghỉ dưỡng khá lý tưởng. Chắc chắn, nơi đây sẽ mang lại cho du khách nhiều điều thú vị khi đến tham quan.
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ja Răng
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Ja Răng thuộc khu rừng nhiệt đới ẩm Kon Hà Nừng có diện tích 16.000ha. Kon Ja Răng và Kon Ka Kinh được xem là biểu tượng bảo tồn thiên nhiên ở Ðông Trường Sơn. Rừng ở đây nhiều tầng, thảm thực vật xanh tốt quanh năm, có nhiều loại gỗ quý. Đặc biệt, điều kiện sinh thái ở đây khá thuận lợi cho sự sinh tồn và phát triển của các loại động vật như: voi, bò tót, chồn dơi, mèo gấm, sói đỏ, vượn đen... Khu bảo tồn Kon Ja Răng có vai trò phòng hộ đầu nguồn của sông Kôn.
Hiện nay, Gia Lai đang có kế hoạch phát triển khu bảo tồn này trở thành một khu du lịch sinh thái mang ý nghĩa quốc gia và mang tầm quốc tế. Với những chương trình hành động thiết thực, khi khu du lịch sinh thái Kon Ja Răng được đưa vào phục vụ, chắc chắn Gia Lai sẽ là một điểm đến đầy hấp dẫn.
Chinh phục đỉnh Hàm Rồng
Cách thành phố Pleiku 11 km về hướng Nam, núi Hàm Rồng nằm ngay cửa ngõ thành phố Pleiku trên quốc lộ 14. Hàm Rồng được hình thành từ sự phun trào của núi lửa cách đây hơn một triệu năm. Núi đứng sừng sững ở độ cao 1.028m so với mặt nước biển, được người dân Pleiku ví như nóc nhà của thành phố. Trước đây, núi Hàm Rồng là một trong những căn cứ quân sự của Mỹ. Đến nay, nơi này trở thành một rừng thông ngát xanh và các cơ sở viễn thông, phát thanh truyền hình.
Từ trên đỉnh Hàm Rồng, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Pleiku sầm uất, nhộn nhịp và những nông trường chè, cà phê, cao su, tiêu… bạt ngàn, trải dài theo các đồi dốc. Đến núi Hàm Rồng, chắc chắn du khách khám phá được nhiều điều bất ngờ, thú vị bởi cảnh đẹp kỳ vĩ của nơi đây.
Thủy điện Ialy
Nằm cách trung tâm TP. Pleiku 30 km về phía Tây Bắc, Thác Ialy nổi tiếng xinh đẹp nằm trên dòng Sê San huyền thoại. Nay, chính trên dòng sông này đã được thay bằng cảnh đẹp của đập dâng, đập tràn xả lũ và một hồ nước rộng lớn trong xanh. Công trình nhà máy thủy điện Ialy có diện tích trên 20km2, nằm giáp ranh giữa 2 huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) và huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Đây là công trình trọng điểm Quốc gia, lớn thứ 2 sau thủy điện Hòa Bình.
Với diện tích bề mặt hồ rộng 64,5km², công trình thủy điện Ialy có công suất lắp đặt 720MW và sản lượng điện trung bình năm 3,7 tỷ Kwh. Công trình đã hòa vào lưới điện quốc gia góp phần to lớn trong quá trình nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội… của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Đến đây, du khách có dịp thăm nhà máy thủy điện, đi thuyền ngược dòng sông Sê San ngắm cảnh núi non và thưởng ngoạn không khí rừng núi Tây Nguyên.
Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai
Hoàng Anh Gia Lai - một trong những đội tuyển nổi bật nhất trong các đội tuyển bóng đá tại Việt
Cách thành phố Pleiku 13km, thuộc xã Chư HRông, TP Pleiku, Học Viện được xây dựng vào tháng 3 năm 2007 trên khuôn viên rộng 5ha, với quy mô 4 sân tập chính ngoài trời, 01 sân tập có mái che cùng các công trình phụ trợ phục vụ cho việc tập luyện và sinh hoạt của các thành viên: 6 blog nhà, hồ bơi, sân tennis, phòng xông hơi, tập tạ…
Không chỉ mang lại kỹ thuật điêu luyện cho những người yêu thích bóng đá, học viện còn là điểm du lịch khá hấp dẫn. Đến đây du khách được tham quan cơ sở vật chất hiện đại tiện nghi của học viện cũng như tìm hiểu về các hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal-JMC.
PV (Tổng hợp)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI