TÂY NINH

Cần vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông

17:07:42 | 2/8/2010

Tính đến nay, toàn tỉnh Tây Ninh đã nhựa hóa 100% đường tới trung tâm các xã và có 170km đường giao thông nông thôn được cán đá, láng nhựa và 300 cây cầu xây dựng bê tông được xây dựng… tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa của nhân dân.

Nhưng với một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển như Tây Ninh, hạ tầng giao thông hiện tại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có buổi phỏng vấn ông Trương Văn Lo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh.

Xin ông cho biết một số chương trình phát triển hạ tầng mà Sở Giao thông Vận tải đã và đang thực hiện?

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của giao thông trong việc góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, với chức năng nhiệm vụ của mình, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai một số chương trình trọng điểm với tầm nhìn từ nay đến năm 2020 như sau:

- Triển khai điều chỉnh quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Lập quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường sông đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

- Lập quy hoạch đường gom và đấu nối các tuyến đường công cộng vào các tuyến quốc lộ đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

- Điều chỉnh quy hoạch giao thông nông thôn tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Để những quy hoạch và định hướng đó được hiện thực hóa, hiện nay Tây Ninh đã và sẽ thực hiện một số chương trình trọng điểm về phát triển giao thông tỉnh giai đoạn 2010 -2020. Cụ thể, trong năm 2010 tập trung hoàn thành công tác nâng cấp các dự án giao thông trọng điểm dẫn vào trung tâm thị xã, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015. (Đầu tư 781 đoạn cửa Hòa Viện đến cầu K13; đoạn Công an thị xã cũ đến giáp QL22 B; đoạn giáp QL22 B đến ranh thị trấn Châu Thành); triển khai công tác đền bù dự án nâng cấp đường tỉnh 786 đoạn từ thị xã đến thị trấn Bến Cầu.

Giai đoạn 2011-2015 và đến 2010: Tập trung nâng cấp, khôi phục các dự án theo thứ tự ưu tiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với mức đầu tư bình quân mỗi năm 564.178 triệu đồng. Hoàn thành thông tuyến nối trung tâm các huyện với thị xã và phát triển thị xã Tây Ninh trở thành đô thị loại 3; đưa vào khai thác đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh, kết nối hệ thống đường tỉnh đồng bộ với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Phát huy nội lực, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho kết cấu hạ tầng giao thông dưới nhiều hình thức, phấn đấu đảm bảo từ 25%-30% tổng nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Ưu tiên kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông từ các tổ chức, tập đoàn kinh tế trong nước và nước ngoài theo phương thức BT, BOT, BTO… trên cơ sở một phần ngân sách địa phương đối ứng để thực hiện gắn kết với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Ông có thể cho biết những khó khăn của ngành giao thông vận tải Tây Ninh hiện nay?

Sự phát triển cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nhất là hiện nay các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy sản xuất ngày càng có chiều hướng phát triển mạnh. Sự phát triển không đồng bộ này là bài toán rất nan giải trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu đường từ ngân sách tập trung của địa phương được cân đối phân giao hàng năm còn hạn chế, tỉ lệ đầu tư cho giao thông vận tải giai đoạn 2006-2010 mới chỉ đạt 11% so với tổng mức đầu tư của toàn tỉnh. Các nguồn vốn khác còn hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp giao thông sử dụng cho truy tu sửa chữa, bảo trì cầu đường của toàn tỉnh và huyện, thị hàng năm cân đối cấp phát không đủ chỉ mới đáp ứng từ 15-20% so với nhu cầu, đã ảnh hưởng đến việc quản lý, gìn giữ chống xuống cấp mạng lưới đồng bộ trong tỉnh.

Trật tự an toàn giao thông tuy đã được chấn chỉnh và có chiều hướng tiến bộ song ý thức chấp hành trong quần chúng nhân dân còn chưa nghiêm.

Mặc dầu đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng trong phong trào xây dựng, sửa chữa khôi phục hệ thống GTNT, giao thông phường khóm… nhưng vẫn còn một số địa phương thực hiện vẫn chưa khởi sắc. Khả năng hỗ trợ ngân sách địa phương hàng năm còn hạn chế, việc kêu gọi từ sự tự nguyện đóng góp trong nhân dân còn nhiều khó khăn.

Tiến Lợi