Được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, trong những năm qua ngành nghề TTCN truyền thống của tỉnh Đồng Nai không ngừng phát triển và mở rông, đóng vai trò quan trọng tác động đến quá trình phân công lao động xã hội; thúc đẩy quá trình CNH - HĐH nông thôn; góp phần quan trọng trong việc khai thác các nguồn lực trong nông nghiệp, nông thôn; tham gia tạo ra các sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu và là nhân tố quan trọng tăng thu nhập cho người dân nông thôn và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, bên cạnh những kết quả đạt được, các ngành nghề TTCN truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc duy trì phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Để tạo động lực khơi dậy tiềm năng và lợi thế vốn có của các ngành nghề này, tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để khôi phục và phát triển ngành nghề TTCN truyền thống của tỉnh nhà, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của vùng đất Đồng Nai. Ngành nghề TTCN truyền thống phát triển không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn mà còn kéo theo sự phát triển của một số ngành dịch vụ, có tác dụng tích cực tới quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Được sự quan tâm của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đồng Nai và Sở Công Thương khuyến khích hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, phát triển công nghiệp nông thôn thông qua các cơ chế, chính sách được cụ thể hóa, nhờ vậy số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là khu vực nông thôn không ngừng tăng trưởng về số lượng lẫn chất lượng. Lực lượng lao động địa phương dồi dào, có tay nghề đáp ứng cho việc duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương hiện nay cũng như các năm sau này. Một số ngành nghề giải quyết được nhiều lao động ở nhiều địa phương khác nhau, tận dụng lao động nhàn rỗi của nông dân vùng sâu vùng xa như là mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, chế biến nông sản…
Ông Nguyễn Thanh Liêm - Gíam đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 11.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm cho trên 92.000 lao động thường xuyên và khoảng 45.000 lao động không thường xuyên. Thu nhập của người lao động dao động từ 1,8 – 3 triệu đồng/người/tháng; đời sống của người lao động trên địa bàn từng bước được nâng lên. Năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn chiếm 5,73% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 19,2%. Thông qua hoạt động khuyến công, nhiều ngành nghề truyền thống ở Đồng Nai đã dần được khôi phục và phát triển như: nghề mây tre đan, nghề dệt thổ cẩm, gỗ mỹ nghệ, đúc đồng,…..
Cùng với nỗ lực khôi phục phát triển nghề truyền thống, Đồng Nai đặc biệt quan tâm bố trí mặt bằng quy hoạch cụm công nghiệp sau khi đề án được phê duyệt, phát triển cụm công nghiệp theo hướng trở thành trung tâm liên kết các cơ sở hiện có, hình thành khu sản xuất tập trung bố trí các công đoạn sản xuất có khả năng gây ô nhiễm, showroom trưng bày sản phẩm. Trong năm 2010, UBND cấp tỉnh và cấp huyện đã phê duyệt kế hoạch xây dựng điểm sản xuất thổ cẩm dân tộc Châu Mạ xã Tà Lài - huyện Tân Phú; Cụm công nghiệp: gỗ mỹ nghệ - huyện Trảng Bom; Cụm công nghiệp mây tre đan - huyện Định Quán; Cụm công nghiệp đúc gang - huyện Vĩnh Cửu; Cụm công nghiệp sản xuất chế biến nấm - thị xã Long Khánh. Việc hình thành các cụm công nghiệp phục vụ làng nghề là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, thu hút đầu tư, thu hút lao động nông thôn tham gia phát triển làng nghề, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp – TTCN địa phương theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Thu Thủy