KIÊN GIANG

Kiên Giang – Phấn đấu trở thành tỉnh đạt mức khá của vùng ĐBSCL

10:47:50 | 13/12/2011

Những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang liên tục khởi sắc, thể hiện qua sự tăng trưởng toàn diện và hết sức ấn tượng của tỉnh trong mỗi thời kỳ. Những thành công mà lãnh đạo và nhân dân tỉnh Kiên Giang gặt hái được từ khi thành lập đến nay cũng đã phần nào khẳng định sức bật mạnh mẽ của vùng đất này. Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về những thành tựu và hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Mai Lý thực hiện.

Ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2005 – 2010 của tỉnh Kiên Giang? Nối tiếp những thành công này, Kiên Giang đặt ra mục tiêu nào cho giai đoạn tới?

Giai đoạn 5 năm 2005 - 2010, mặc dù gặp không ít khó khăn song với tinh thần chung sức đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang đã thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 11,5%; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông-lâm-thủy sản từ 46,6% xuống còn 42,7%, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 28% lên 33,4%; GDP bình quân đầu người đạt 25,762 triệu đồng (tương đương 1.320 USD) gấp hơn 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Các lĩnh vực kinh tế có tiềm năng thế mạnh được tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tốt hơn, trong đó khu vực nông-lâm-thủy sản tăng trưởng khá (bình quân 7,2%), giữ vai trò quyết định tăng trưởng kinh tế của tỉnh; công nghiệp-xây dựng tăng 13,1%, dịch vụ tăng 17,4%. Một số chỉ tiêu chủ yếu về lương thực, khai thác, nuôi trồng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu đều thực hiện vượt mục tiêu đề ra.

Kinh tế nông thôn phát triển khá. Kinh tế biển và phát triển đảo Phú Quốc được tăng cường đầu tư; kinh tế các huyện, thị biên giới tiếp tục được phát triển theo hướng tăng nhanh về số lượng. Các vùng kinh tế như Tứ Giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau, Tây sông Hậu được khai thác tốt tiềm năng lợi thế nên từng bước xây dựng được các mô hình công – nông nghiệp chất lượng cao. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 4,5 %.

Những thành quả quan trọng đạt được trong 5 năm qua sẽ là tiền đề cơ bản cho phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới, rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Theo đó mục tiêu trọng tâm của Kiên Giang trong 5 năm tới là tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 13%/năm trở lên. Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế nông-lâm-thủy sản chiếm 30%, công nghiệp-xây dựng 32%, dịch vụ 38%; GDP bình quân đầu người 2.500-2.600 USD; sản lượng lương thực đạt 3,550 triệu tấn, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 684.000 tấn (trong đó tôm nuôi 55.000 tấn), kim ngạch xuất khẩu 900 triệu USD. Thu ngân sách gấp 2 lần trở lên so năm 2010. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội (giai đoạn 2011-2015) khoảng 170.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng nền quốc phòng an ninh vững mạnh toàn diện. Phấn đấu trở thành tỉnh đạt mức khá của vùng ĐBSCL và tỉnh trung bình khá trong phạm vi cả nước.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh bền vững, có chiều sâu; thực hiện tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị dự án và huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; chú trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khai thác tốt tiềm năng lợi thế kinh tế biển.

Căn cứ vào các kết quả VCCI công bố về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Kiên Giang thể hiện được sự tiến bộ vượt bậc trong những năm gần đây. Đâu được coi là giải pháp quan trọng để có thể duy trì và tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bền vững, hướng tới nâng cao PCI 2011 cũng như những năm tiếp theo của Kiên Giang?

Năm 2009 đánh dấu bước nhảy vọt của tỉnh Kiên Giang trên bảng xếp hạng PCI của cả nước khi tỉnh nhảy 16 bậc, từ 35 của năm 2008 lên hạng 19. Năm 2010, mặc dù Kiên Giang có tụt hạng nhưng vẫn nằm trong tốp Tốt. Để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, hiệu lực, hiệu quả điều hành của các cơ quan công quyền, tiến tới nâng cao PCI trong năm 2011 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh Kiên Giang đã xây dựng Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh với nhiều giải pháp cụ thể. Nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, các sở, ngành, địa phương phải công khai kết quả công việc có liên quan đến công dân, doanh nghiệp để dân và doanh nghiệp biết, giám sát và góp ý; các ngành, địa phương khi tiếp nhận những chủ trương, chính sách của Chính phủ và của tỉnh thì phải kịp thời tuyên truyền, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiến tới giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng, giảm chi phí, phiền hà cho công dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ tập trung thực hiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực cho cộng đồng doanh nghiệp. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật để tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện tốt chính sách kích cầu của Chính phủ. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020. Vậy trong Quy hoạch này, các ngành và sản phẩm chủ lực của Kiên Giang sẽ được phát triển theo hướng nào, thưa ông?

Đối với ngành nông-lâm-thủy sản, theo Quy hoạch sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Phát triển ngành trồng trọt với cây lúa là cây trồng chủ lực theo hướng chất lượng. Phát triển ngành chăn nuôi đại gia súc, nuôi heo, gia cầm trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, mở rộng chăn nuôi công nghiệp tập trung. Tổng diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2015–2020 ổn định 85.780 ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 14,0%. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa, phát triển bền vững. Giai đoạn 2015- 2020, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 390.000-420.000 tấn.

Đối với ngành công nghiệp, phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp bình quân thời kỳ 2011 - 2015 tăng 14,1%/năm và thời kỳ 2016 - 2020 tăng 16,0%/năm. Tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao cho những ngành có lợi thế của tỉnh như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến, nông-lâm-thủy sản và hình thành ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí-đóng tàu, công nghiệp sạch, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ dịch vụ…Từng bước xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Riêng với các ngành dịch vụ, Kiên Giang phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ giai đoạn 2011 – 2015 đạt 16,2% và giai đoạn 2016 – 2020 đạt 17%. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hình thành các ngành dịch vụ mới. Đồng thời phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đầu tư xây dựng các khu du lịch trọng điểm của tỉnh ở Rạch Giá, U Minh Thượng...Xây dựng đảo Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, giao thương quốc tế hiện đại, chất lượng cao trong khu vực. Phấn đấu số lượng khách du lịch đạt 6,1 triệu lượt khách năm 2015 và đạt 10 triệu lượt khách năm 2020.