NGHỆ AN

Huyện Tân Kỳ: Phát huy nội lực trong phát triển kinh tế

15:06:44 | 22/11/2012

Cách Thành phố Vinh khoảng 80km về phía tây bắc, với diện tích tự nhiên khoảng 720 km2, Huyện tân Kỳ được biết đến như một vùng đất đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư.

Phát huy lợi thế trong khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng.

Trao đổi với phóng viên về tình hình phát triển kinh tế xã hội của Huyện nhà, ông Phạm Văn Hoá – Chủ tịch UBND Huyện Tân Kỳ chia sẻ: “Từ một huyện thuần nông, nhưng những năm gần đây Tân Kỳ đã có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế mãnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,9% với tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 2,6 triệu đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ và bằng 73,5% kế hoạch”.

Tài nguyên khoáng sản của Tân Kỳ khá phong phú, trong đó có 406 ha đá granit, 200 ha đá marble, 3.000 ha đá bột trắng siêu mịn, 2,8 tỷ tấn đá vôi có thể làm nguyên liệu sản xuất đá xi măng và khoảng 100 triệu m3 đất sét làm gạch, ngói. Dựa trên lợi thế này, Tân Kỳ đã triển khai các hoạt động khai thác khoáng sản phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Đây là điều kiện thuận lợi để Huyện tập trung thu hút những nhà đầu tư đủ tiềm lực, xây dựng một số nhà máy có dây chuyền công nghệ hiện đại, làm điểm bứt phá khai thác tài nguyên khoáng sản.

Bên cạch đó, Tân Kỳ cũng đang tập trung xây dựng và thu hút các doanh nghiệp đầu tư KCN. Hiện tại, Tân Kỳ đã quy hoạch 3 khu công nghiệp, đang tiến hành hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu công nghiệp Đồng Văn, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Dũng. Đồng thời Huyện cũng tiến hành khảo sát, đầu tư xây dựng KCN tập trung từ 500 – 600 ha tại các xã Nghĩa Thái, Tân Phú, Nghĩa Đồng (theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt). Tại các khu công nghiệp, sẽ phát triển những ngành công nghiệp chủ lực phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương như sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, đá xây dựng, bê tông, gạch không nung) và chế biến nông – lâm sản.

Nhiều điều kiện để phát triển du lịch

Không những có tiềm năng lợi thế về phát triển công nghiệp mà Tân Kỳ còn được biết đến là nơi có nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Đặc biệt từ sau khi đường Hồ Chí Minh được đưa vào sử dụng đã mở ra cho Tân Kỳ cơ hội mới trong việc khai thác tối đa về du lịch trong phát triển kinh tế xã hội của Huyện nhà. Cách mạng cây đa Làng Giang ở xã Nghĩa Thái là nơi cắm lá cờ đầu tiên của Đảng vào những năm 1930 - 1931 nhằm hiệu triệu nhân dân trong vùng đứng lên biểu tình phản đối chế độ thực dân…

Bên cạnh những di tích lịch sử các mạng, Tân Kỳ có hang động Thung Khiển, nằm trong khu vực rừng nguyên sinh ở xã Tân Hợp. Đây là hang động rất đẹp nhưng hiện vẫn còn hoang sơ. Vừa qua, Huyện đã thực hiện dự án làm tuyến đường nhựa từ xã Đồng Văn vào Thung Mòn để lên Thung Khiển, nhằm thu hút sự chú ý của khách du lịch, từng bước khai thác đưa vào tour du lịch của Huyện. Trên địa bàn Tân kỳ còn có 2 suối nước nóng, nếu biết cách khai thác, đầu tư, thì đây là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch.

Nhưng ông Hoá vẫn còn trăn trở, “nhà báo à Tân Kỳ là vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa. Tuy nhiên, tất cả những tiềm năng đó vẫn chưa được tôn tạo, khai thác để thu hút khách du lịch, và chưa đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân. Rất mong các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến vùng đất này để làm bật dậy tiềm năng du lịch Tân Kỳ”.

Thế Hùng