KIÊN GIANG

Trung tâm bảo về sức khỏe lao động và môi trường tỉnh Kiên Giang: Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện gian khó

11:50:42 | 21/5/2013

Được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang về cơ sở vật chất, kinh phí và các trang thiết bị, được sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật của các tuyến trên như Cục Quản lý môi trường Y tế, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM, cộng với sự phối kết hợp tốt từ một số các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe người lao động, nên năm 2012 Trung tâm bảo về sức khỏe lao động và môi trường (BVSKLĐ&MT) Kiên Giang đã triển khai tốt các hoạt động được giao và hoàn thành khá tốt các chỉ tiêu trong năm.

Trung tâm có 3 khoa là khoa Bệnh nghề nghiệp, khoa Vệ sinh lao động và khoa Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh với tổng số cán bộ là 25 người, nhưng trong năm 2012 đã khám và quản lý sức khỏe định kỳ cho 16.217 người, trong đó 10.508 nam và 5.709 nữ, đạt 108% kế hoạch. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tiến hành đo Môi trường lao động cho 350 cơ sở với 15.961 mẫu các loại vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Đây là những kết quả đạt được rất đáng khích lệ.

Theo Giám đốc Trung tâm - ông Lâm Hùng Bi, mặc dù hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2012 nhưng Trung tâm cũng phải hoạt động trong nhiều khó khăn. Khó khăn của Trung tâm xuất phát từ sự phối hợp liên ngành có liên quan chưa thường xuyên, ngân sách hỗ trợ của ngành y tế cho các hoạt động vệ sinh lao động, phòng chống Bệnh nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, công tác khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân chỉ đáp ứng được khoảng 10 – 15% nhu cầu thực tế, trong khi doanh nghiệp có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng. Bên cạnh đó, một số bệnh viện tư nhân, phòng khám tư dù có tham gia khám sức khỏe định kỳ cho người lao động nhưng chỉ dừng lại ở khâu khám.

Song, dù còn nhiều khó khăn, Trung tâm cũng đã lên chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2013 là sẽ khám và quản lý sức khỏe định kỳ cho 12.000 lượt người, khám và quản lý bệnh nghề nghiệp là 500 người, lập hồ sơ Vệ sinh lao động và đo môi trường lao động 320 cơ sở, tập huấn ANVSLĐ và sơ cấp cứu ban đầu là 1.500 người.

Để hoàn thành các số lượng công việc trên, Trung tâm mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, cơ quan liên quan. Theo đó, Trung tâm đề nghị Cục Y tế dự phòng và Môi trường VN hỗ trợ kinh phí phòng chống BNN và kinh phí mua trang thíêt bị y tế cho Trung tâm như máy đo bụi cá nhân, đo bức xạ nhiệt, máy đo điện từ trường tần số cao, đo rung, larbo xét nghiệm môi trường, máy chụp X-quang chỉnh lưu để phục vụ công tác khám phát hiện bệnh bụi phổi – Silic nghề nghiệp cho các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, ximăng; Đầu tư thêm một xe chuyên dùng chụp X-quang lưu động và xe chuyên chở cán bộ đi khám sức khỏe cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Để giúp Trung tâm hoạt động có hiệu qủa hơn, Trung tâm cũng mong Đảng ủy khối các Doanh nghiệp, sở Lao động Thương binh & Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh Kiên Giang có công văn chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt việc chăm lo bảo vệ sức khoẻ người lao động theo đúng quy định pháp luật đề phòng bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động và thành lập ban thanh tra về an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp, trong đó phải có sự tham gia của Trung tâm.

Trung tâm cũng kiến nghị với Sở y tế Kiên Giang nên có văn bản chỉ đạo các phòng khám tư, bệnh viện tư khi không được khám sức khỏe định kỳ cho các lao động trong doanh nghiệp có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp vì môi trường làm việc cần phải giám sát đo môi trường lao động thì phải chuyển cho Trung tâm triển khai thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ được Bộ Y tế giao; Trung tâm người sử dụng lao động nên quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao nhận thức, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và xây dựng quy định về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động thực hiện.

Quốc Hưng