Hiếm có một địa phương nào trong cả nước hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển kinh tế như tỉnh Quảng Ninh, đó là: trung tâm số 1 của cả nước về tài nguyên than đá, công nghiệp điện, xi măng, vật liệu xây dựng (VLXD); có 4 thành phố trực thuộc: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái; được phê duyệt 2 Khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái theo định hướng trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển đảo và trung tâm thương mại tài chính quốc tế; có điều kiện thông thương thuận lợi với Trung Quốc qua hệ thống cửa khẩu trên đất liền và trên biển…
Với những lợi thế đó, những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn xác định công thương là ngành chủ lực và mũi nhọn để phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006 – 2010 đạt 12,7%/năm, cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,51%. Các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế, khả năng cạnh tranh cao là than, VLXD, nhiệt điện, cơ khí, đóng tàu… Tỉnh đã hình thành rõ nét các trung tâm công nghiệp.
Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Trong đó, thương mại nội địa phát triển về chất, mở rộng ở cả thành thị, nông thôn, miền núi, hải đảo. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2010 tăng gấp 1,97 lần so với năm 2006. Thị trường nước ngoài từng bước được mở rộng, các thị trường truyền thống vẫn được duy trì. Thị trường xuất khẩu (XK) chủ yếu là Trung Quốc, các nước khối ASEAN, Nhật Bản, EU, trong đó Trung Quốc chiếm tỷ trọng hơn 50%. Nguồn hàng XK có sự đa dạng, tỷ trọng nhóm hàng XK qua chế biến tăng dần. Một số mặt hàng đã trở thành hàng XK chủ lực của tỉnh, đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho địa phương.
Tiếp nối những thành tựu đạt được, giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Quảng Ninh xác định phấn đấu trở thành địa bàn động lực, năng động của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cửa ngõ quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế. Đến năm 2015, tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Với mục tiêu đó, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 – 2015 là 13%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 3000 – 3227 USD, cơ cấu kinh tế cuối năm 2015: công nghiệp và xây dựng 53%, dịch vụ 43%, nông – lâm – ngư nghiệp 4%. Đến năm 2015, kim ngạch XK đạt 2.887 triệu USD.
Đồng thời, Quảng Ninh sẽ phát triển công nghiệp có chọn lọc, hướng vào phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; ưu tiên phát triển các ngành và nhóm sản phẩm có lợi thế, có thương hiệu, chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp lắp ráp, công nghiệp chế biến, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để triển khai các giải pháp phát triển kinh tế.
Ngành công nghiệp than sẽ phát triển đảm bảo nhu cầu trong nước là chính, từng bước giảm sản lượng xuất khẩu, sản xuất gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Ngành điện được đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào hoạt động các nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh II, Mạo Khê (tổ máy 2), Mông Dương I, Mông Dương II. Ngành cơ khí đóng tàu tiếp tục được nâng cấp mở rộng, trong đó hoàn thiện KCN đóng tàu Cái Lân, Nhà máy đóng tàu Hạ Long, Hà An (Quảng Ninh); xây dựng một số nhà máy đóng tàu quy mô lớn cùng với sự phát triển công nghiệp phụ trợ tại KCN Hải Hà, KCN dịch vụ Đầm Nhà Mạc…
Đối với ngành xi măng và xây dựng, Quảng Ninh sẽ hoàn thiện, đầu tư xây dựng tại các Nhà máy xi măng Hạ Long, Thăng Long, Cẩm Phả, Lam Thạch, phát triển mạnh các ngành sản xuất VLXD. Tỉnh cũng phát triển nhanh các KCN để tăng thêm lực lượng sản xuất mới và quản lý tập trung, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Song song với đó, tỉnh tập trung phát triển toàn diện khu vực dịch vụ, ưu tiên các dịch vụ viễn thông, giáo dục và đào tạo, dịch vụ kinh doanh tài chính, vận tải, du lịch; phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại ở các thành phố, thị xã và các khu công nghiệp, khu kinh tế. Phát triển XK với tốc độ tăng trưởng hợp lý để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng XK những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo và hàm lượng công nghệ cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô XK.
Thông qua việc xác định những nhiệm vụ trọng tâm đó, có thể thấy rõ nét sự chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng nóng sang phát triển theo mô hình kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là phù hợp với định hướng, bước đi hiện nay của tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng được xem là mục tiêu chiến lược, quyết tâm chính trị của tỉnh, theo đó phấn đấu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp dịch vụ theo hướng hiện đại vào năm 2015.
Ngô Anh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI