QUẢNG NINH

Móng Cái: Thành phố cửa khẩu hiện đại

10:13:02 | 26/12/2013

Từ một huyện biên giới thuần nông (nông nghiệp chiếm tới 90% trong cơ cấu kinh tế), cơ sở hạ tầng kém, nền kinh tế chậm phát triển, sau khi Chính phủ có quyết định thành lập Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Móng Cái và tạo nhiều điều kiện, chính sách thuận lợi, Móng Cái đã có sự phát triển mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa được thực hiện một cách nhanh chóng. Hai năm sau Móng Cái đã trở thành thị xã đô thị loại 4 và 10 năm sau trở thành thành phố đô thị loại 3. Hiện thành phố đang trong tiến trình xây dựng thành thành phố cửa khẩu hiện đại, thành phố đô thị loại 2 trước năm 2020.

Kinh tế cửa khẩu là mũi nhọn

Móng Cái nằm ở phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh, có vị trí địa lý giao thông thủy bộ thuận lợi, đóng vai trò chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh và khu vực Đông Bắc của Tổ quốc. Trong những năm qua, được sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, thành phố luôn xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là mũi nhọn để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trong hai năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 10,3%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: thương mại dịch vụ đạt 75,8%, công nghiệp xây dựng đạt 12,8%, nông nghiệp là 11,4%. Tổng lượng khách du lịch qua cửa khẩu đạt trên 470.000 lượt người/năm, tăng bình quân là 17,6%/năm, tổng thu ngân sách đạt 3.084,5 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người đạt 2.212 USD/người/năm.

Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh với chủ đề: “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”, năm 2012 thành phố Móng Cái đã thu hút được 1 dự án đầu tư nước ngoài (dự án nhà máy sản xuất bông sợi của Tập đoàn Texhong Ngân Long với vốn đăng ký là 300 triệu USD), nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn là 20 (với tổng vốn đăng ký trên 591,3 triệu USD). Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 586 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực ngành nghề.

Những năm gần đây, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu là việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai minh bạch. Luôn chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, tác phong của đội ngũ cán bộ các cấp từ thành phố đến cơ sở trong việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực, nhất là quy trình thủ tục liên quan trực tiếp đến công tác đất đai, xây dựng cấp phép…Tháng 7/3013 thành phố đã khai trương và đưa vào hoạt động có hiệu quả trung tâm hành chính công theo hướng “một cửa” liên thông hiện đại gắn với xây dựng chính quyền điện tử nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và nhân dân khi thực hiện các thủ tục giao dịch.

Thành phố cũng thường xuyên tổ chức hội nghị để tiếp xúc, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp; tạo điều kiện để nhà đầu tư gặp gỡ giao lưu, tìm kiếm cơ hội đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị với tỉnh.

Lộ trình quy hoạch

Hiện nay thành phố đang tập trung đẩy mạnh tiến độ lập 2 quy hoạch chiến lược KKTCK Móng Cái (Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Móng Cái) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo kế hoạch. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai lập quy hoạch các phân khu chức năng quan trọng như thương mại, dịch vụ, cảng biển, KKT song phương… nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế quan trọng của thành phố.

Thành phố cũng chủ trương huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại, trong đó ưu tiên các công trình có ý nghĩa chiến lược như: tuyến đường giao thông đường bộ Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái, đường nối Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc Hải Hà - Móng Cái…

Với mục tiêu xây dựng thành phố Móng Cái đạt các tiêu chí đô thị loại 2 trước năm 2020, và đến năm 2020 trở thành thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường, là hạt nhân của khu kinh tế mở, kết nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Khi tỉnh Quảng Ninh được xác định là địa bàn động lực nằm trong chiến lược phát triển kinh tế “2 hành lang – 1 vành đai” Việt Nam – Trung Quốc, thì KKTCK Móng Cái được coi là vùng lõi. Việc đầu tư cho Móng Cái nhằm tạo sức lan tỏa, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển đối với các ngành kinh tế, các địa phương nằm trên hành lang kinh tế này.

Tuấn Anh