Là mảnh đất trung du, miền núi phía Tây Bắc tỉnh Phú Thọ, có nhiều danh lam thắng cảnh và các khu di tích lịch sử, văn hoá gắn liền với những truyền thuyết từ thời dựng nước của dân tộc, huyện Hạ Hoà với những đột phá trong kế hoạch phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh mà điểm then chốt là chất lượng dịch vụ đã và đang là điểm đến lý tưởng của khách thập phương.
Nếu như nhắc đến Hạ Hoà, du khách nghĩ ngay tới điểm du lịch tâm linh Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ - di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia ở xã Hiền Lương, gắn với truyền thuyết của mẹ Âu Cơ thì Ao Châu được biến đến là điểm du lịch sinh thái kết hợp tâm linh gắn với truyền thuyết Vua Hùng thứ 16 với hơn 100 đảo nhỏ và 99 ngách đan cài giữa các khe núi hay danh thắng Ao Giời - Suối Tiên - quần thể các thác nước và ao sâu với tên gọi đậm mầu huyền thoại: Thác Bụt, Ao Cánh Tiên, Vực Xanh… như dải lụa mềm vắt ngang qua núi rừng, đã có mặt trong các tour du lịch của nhiều hãng lữ hành… Ngoài ra, Hạ Hòa còn có hàng chục di tích lịch sử được tỉnh xếp hạng như: Đền Nguyễn (xã Vụ Cầu), đền Chu Hưng (xã Ấm Hạ), đình Trắng (xã Hậu Bổng), đền Thượng (xã Đan Thượng)… Chiến khu Vần - Hiền Lương, di tích chiến khu 10 - Đại Phạm… hình thành các tour, tuyến du lịch văn hóa, tâm linh và nghiên cứu lịch sử.
Trong những năm qua, huyện Hạ Hòa đã xây dựng quy hoạch chi tiết khu du lịch đền Mẫu Âu Cơ, triển khai dự án trùng tu tôn tạo các hạng mục di tích, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Lễ hội và bước đầu kết nối điểm du lịch tâm linh Đền Mẫu Âu Cơ với các điểm du lịch sinh thái Ao Giời - Suối Tiên và đầm Ao Châu. Cùng với triển khai xây dựng các hạng mục công trình khu du lịch Đền Mẫu Âu Cơ, tuyến đường Hiền Lương đi Ao Giời - Suối Tiên và một số tuyến đường giao thông vùng phụ cận, huyện còn phối hợp với Sở VH-TT&DL tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển khu du lịch đầm Ao Châu, đầm Vân Hội. Từng bước đầu tư khai thác các tiềm năng, lợi thế, Hạ Hòa đã dần thúc đẩy ngành kinh tế du lịch - dịch vụ. Giá trị du lịch và dịch vụ trong những năm gần đây chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong cơ cấu ngành thương mại - du lịch - dịch vụ; số lượt khách du lịch năm sau cao hơn năm trước.
Hạ Hòa xác định phải phát huy các lợi thế về tự nhiên và văn hóa truyền thống, kết hợp du lịch tâm linh với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giá trị văn hóa lịch sử cách mạng; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch; gắn phát triển du lịch với mục tiêu tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Theo đó, từng bước nâng cao nhận thức về phát triển du lịch của nhân dân; Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch; Đào tạo đội ngũ, nâng cao hiệu qủa quản lý nhà nước về du lịch và trình độ cán bộ, nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch...
Đại hội đảng bộ huyện lần thứ 22 (nhiệm kỳ 2010- 2015) đã xác định: Phát triển mạnh hệ thống dịch vụ và các hoạt động thương mại; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác tiềm năng lợi thế về du lịch. Theo đó đã xây dựng “Đề án phát triển du lịch huyện Hạ Hòa” gồm 2 giai đoạn lớn: Gia đoạn 1 trước năm 2010, tập trung đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và từ năm 2010 trở đi sẽ khai thác các dịch vụ tại các điểm du lịch, đưa du lịch và kinh doanh du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo nguồn thu cho ngân sách huyện.
Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, huyện đã và đang khẩn trương hoàn thành các dự án đầu tư phát triển du lịch; gắn phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới và gắn phát triển du lịch với phát triển văn hóa, con người, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh doanh dịch vụ du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch cộng đồng và tạo môi trường thuận lợi, dành quỹ đất, huy động các nguồn vốn, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển du lịch, dịch vụ.
Thanh Loan
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI